Chỉ số phát triển sản xuất của Việt Nam tăng

14:50, 13/08/2015

Nhờ những nỗ lực trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều ngành sản xuất trên thế giới. Theo đánh giá của Tập đoàn tư vấn bất động sản toàn cầu (C&W) công bố mới đây cho thấy: Việt Nam đang dẫn đầu bảng xếp hạng về: Chỉ số phát triển của các quốc gia mới nổi trong ngành sản xuất (Growth Index).

Bảng xếp hạng thể hiện rõ lợi thế của Việt Nam trên các nội dung thể hiện chi phí cạnh tranh. Tốc độ tăng trưởng trên thị trường bán lẻ của Việt Nam tiếp tục mang lại cơ hội cho các nhà sản xuất và bán lẻ các loại mặt hàng tiêu dùng. Việt Nam cũng đã bắt đầu được hưởng lợi từ việc chi phí sản xuất tại các nước có xu hướng tăng lên, trong đó có Trung Quốc là quốc gia sản xuất lớn nhất trên thế giới tính theo số lượng cũng đã tăng về giá nhân công và các chi phí khác. Đây là lý do để các nhà sản xuất đang hướng tới các nước khác để đầu tư, có môi trường thuận lợi hơn, giá nhân công rẻ hơn như các nước thuộc Đông Nam Á, trong đó Việt Nam đang là một điểm đến hấp dẫn. Vì thế vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho các ngành chế biến tại Việt Nam tăng liên tục kể từ năm 2012 và đến năm 2014 đạt 11 tỷ USD.

 

Trong tương lai, khi mà Việt Nam hoàn tất việc ký kết các hiệp định thương mại tư do song phương với EU, Liên minh kinh tế Á - Âu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cơ hội cho các nhà đầu tư hướng đến làm ăn tại Việt Nam sẽ hứa hẹn rộng mở và phát triển. Hiện nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ Việt Nam, các lĩnh vực về thuế, các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực hải quan, tài nguyên và môi trường, điện, bào hiểm…; các quy định về đăng ký sản xuất, kinh doanh đang được rà soát, cắt giảm để tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Theo đó, ngành Thuế đã hoàn thành việc giảm thời gian nộp thuế theo chỉ tiêu mà Nghị quyết 19 của Chính phủ đề ra về việc giảm số giờ nộp thuế xuống dưới 121,1 giờ trong năm 2015. Về nộp thuế điện tử, hiện nay đã có 302 nghìn doanh nghiệp đăng ký tham gia, đạt gần 70% chỉ tiêu. Dự kiến đến tháng 9 sẽ có khoảng 90% số doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử.

 

Về chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam cho thấy trong thời gian qua cũng có những tín hiệu tốt. Theo khảo sát chỉ số này đã tăng trong những tháng gần đây (từ 52,2 lên 52,6). Đà gia tăng của các đơn đặt hàng về cả số lượng mặt hàng mới, sản lượng hàng hoá và việc làm cũng đã giúp sản xuất, kinh doanh mạnh mẽ hơn. Điều này đã đánh dấu sự tăng trưởng sản xuất trong 22 tháng liên tiếp gần đây của Việt Nam.

 

Với những tín hiệu tốt về cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp một cách mạnh mẽ, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện. Theo đánh giá của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), tăng trưởng GDP của Việt Nam có khả năng sẽ đạt 6,5% trong năm 2015.