Theo Báo Điện tử Chính phủ, sau 14 phiên đàm phán, Hiệp định thương mại do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được hai bên thống nhất kết thúc cơ bản đàm phán. Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được đánh giá là hiệp định chất lượng cao, toàn diện, bảo đảm cân bằng các lợi ích của cả 2 bên Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Các nội dung chính của Hiệp định gồm: Thương mại hàng hoá; Quy tắc xuất xứ; Hải quan và thuận lợi hoá thương mại, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; Hàng rào kỹ thuật trong thương mại; Thương mại dịch vụ; Đầu tư; Phòng vệ thương mại; Cạnh tranh; Doanh nghiệp Nhà nước; Mua sắm của Chính phủ; Sở hữu trí tuệ; Phát triển bền vững; Hợp tác và xây dựng năng lực; Pháp lý- thể chế.
Những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của EVFTA đã cho thấy là một “cú hích” quan trọng để đẩy mạnh quan hệ thương mại Việt Nam và EU, giúp cho việc tăng cường xuất khẩu các mặt hàng lợi thế của cả 2 bên như; dệt may, đồ gỗ, giày dép, nông thuỷ sản, thiết bị máy móc … EU có quy mô và tiềm năng đầu tư lớn sẽ là cơ hội để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại, đầu tư của EU trong khu vực. Chính điều này sẽ thúc đẩy quá trinh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đôi rmoo hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo hướng tích cực. Hiện nay 2 bên thống nhất sẽ tiến hành nhanh các phần việc còn lại, đẩy nhanh qua trình tổng hợp các nội dung kỹ thuật để có thể sớm kết thúc toàn bộ Hiệp định ngay trong năm nay, tiến tới thực hiện các thủ tục để ký kết, phê chuẩn Hiệp định.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và cũng là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU còn rất quan trọng bởi có tính chất bổ trợ cho nhau rất lớn, ít mang tính cạnh tranh, đối đầu trực tiếp. EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Hiện nay hầu hết các nước thuộc EU đã có đầu tư vào Việt Nam với hơn 2.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 37 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt ở hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam như: công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ. Năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã đạt hơn 36,8 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang EU đạt 28 tỷ USD. Các nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU có thế mạnh là: dệt may, giày dép, cà phê, đồ gỗ, hải sản … Khi Hiệp định được ký kết, các hàng hoá của Việt Nam sẽ càng có cơ hội chiếm lĩnh thị trường EU nhờ những thoả thuận ưu đãi mà hai bên đạt được; đồng thời EU cũng sẽ có được nhiều lợi thế khi đầu tư, xuất khẩu hàng hoá sang Việt Nam.
Đánh giá về Hiệp định, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu là một trong những hiệp định có chất lượng cao nhất của Việt Nam và EU, dự kiến sẽ mang lại lợi ích tối ưu cho người dân và doanh nghiệp.