Nỗ lực thúc đẩy xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN

09:36, 15/08/2015

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN sẽ được hình thành vào cuối năm 2015. Cùng với các quốc gia thành viên ASEAN khác, Việt Nam đang nỗ lực để nắm bắt các cơ hội mới từ một thị trường hội nhập hơn, với 625 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) hơn 2.000 tỷ USD mà AEC mang lại.

Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết, hơn 90% trong tổng số 506 biện pháp của AEC đã được thực hiện kể từ khi Kế hoạch tổng thể AEC được chính thức hóa năm 2008. Bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu, các nước ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế, đồng thời đã và đang sửa đổi, ban hành mới các chính sách để thực hiện mục tiêu chuyển đổi khu vực sang một thị trường và nền tảng sản xuất độc lập có sự lưu thông tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động tay nghề cao.

 

Theo Phó Trưởng phòng ASEAN, Vụ Ða biên, Bộ Công thương Cao Thanh Diệp, đối với các biện pháp ưu tiên mà các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã đề ra, tới ngày 31-3-2015, Việt Nam và Xin-ga-po là hai nước có tỷ lệ cao nhất trong ASEAN về thực hiện các biện pháp ưu tiên có tác động lớn đến thương mại và đầu tư của khu vực, đạt 94,5% so với mức chung của ASEAN là 91,1%. Ðiều này thể hiện sự nghiêm túc và nỗ lực của Việt Nam trong việc chung sức xây dựng AEC vào cuối năm nay. Cụ thể, về thương mại hàng hóa, đến tháng 2-2009, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN ký Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thay thế một cách toàn diện Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/AFTA) và các thỏa thuận về thương mại hàng hóa riêng lẻ mà ASEAN thống nhất trong giai đoạn từ 1992 đến 2008. Tính đến năm 2015, nước ta đã hoàn thành giảm thuế nhập khẩu cho 9.265 dòng thuế (tính theo biểu hài hòa thuế quan ASEAN 2012) xuống mức từ 0% đến 5%, chiếm 97% số dòng thuế, trong đó có 8.604 dòng thuế ở mức thuế suất 0%, chiếm 90% số dòng thuế.

 

Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN để rà soát và thực hiện Chương trình làm việc về Thuận lợi hóa thương mại giai đoạn 2007-2015, đã được Bộ trưởng Kinh tế ASEAN thông qua, tập trung các lĩnh vực như hải quan, các thủ tục thương mại, tiêu chuẩn và hợp chuẩn, cơ chế hải quan một cửa ASEAN, cơ sở dữ liệu thuận lợi hóa thương mại ASEAN, v.v. Việt Nam cùng sáu nước ASEAN khác, gồm Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Xin-ga-po và Thái-lan đã triển khai toàn bộ hoặc một phần cơ chế một cửa và đang tham gia dự án thí điểm triển khai cơ chế một cửa ASEAN đối với một số cấu phần. Về thương mại dịch vụ, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN hoàn tất Gói cam kết thứ 9 và đang xây dựng Gói cam kết thứ 10 trong khuôn khổ Hiệp định khung về dịch vụ ASEAN (AFAS). Bên cạnh đó, nước ta cùng các nước ASEAN cũng bắt đầu đàm phán Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN, nhằm kế thừa và củng cố Hiệp định AFAS. Về đầu tư, Việt Nam cũng như đa số các nước ASEAN khác, tiếp tục nỗ lực để có tiến bộ rõ rệt đối với nội dung xóa bỏ hạn chế đầu tư.

 

Trong lĩnh vực xúc tiến và tự do hóa đầu tư, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN đạt được những kết quả nhất định như xuất bản Sách hướng dẫn đầu tư cho doanh nghiệp, Báo cáo đầu tư ASEAN hằng năm; tổ chức các hội thảo, diễn đàn về xúc tiến đầu tư; xây dựng trang thông tin ASEAN về đầu tư, v.v. Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực cùng các nước ASEAN triển khai các hoạt động trong các lĩnh vực khác, nổi bật là: Củng cố khả năng cạnh tranh về lương thực, thực phẩm, nông lâm nghiệp của ASEAN; xây dựng Kế hoạch hành động chiến lược về an ninh lương thực; xúc tiến xây dựng luật và cơ quan quản lý cạnh tranh ở các nước chưa có luật và cơ quan quản lý cạnh tranh, đồng thời có các phương pháp hợp tác hiệu quả; thông qua các văn kiện pháp lý làm cơ sở hợp tác trong các lĩnh vực vận tải hàng không, đường bộ; triển khai các chương trình, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ...

 

ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á, thứ bảy trên thế giới và dự kiến sẽ vươn lên vị trí thứ tư vào năm 2050. Thị trường của Cộng đồng ASEAN sau năm 2015 không chỉ có 625 triệu dân từ 10 quốc gia thành viên, mà còn thêm sáu đối tác thương mại là các quốc gia Ðối tác kinh tế toàn diện của khu vực (RCEP; gồm Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân), lên đến 3,3 tỷ người cùng với lượng hàng hóa chiếm một phần ba giá trị tổng sản phẩm của thế giới. Việt Nam đang đi đầu cùng các quốc gia ASEAN khác xây dựng AEC đúng thời hạn đã đề ra, góp phần khẳng định rằng, khu vực ASEAN có thể tiến tới một cộng đồng kinh tế đích thực.