Cách đây 79 năm, trong thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Việt Nam là nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế lấy canh nông làm gốc… Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Với cách đặt vấn đề như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến một kết luận quan trọng: Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh phải có hợp tác xã (HTX).
Thấm nhuần tư tưởng của Bác, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm kế thừa và vận dụng khi ban hành các chủ trương, nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể, mà HTX là mô hình điển hình. Năm 2003, BCH Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về kinh tế tập thể với nhiều giải pháp quan trọng. Sau gần 10 năm thực hiện, Luật HTX được ra đời năm 2012 (có hiệu lực từ 1-7-2013) đã khắc phục được những yếu kém của mô hình HTX cũ, giúp các HTX dần chuyển đổi cách thức hoạt động để từng bước phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn mới. Nhiều mô hình HTX kiểu mới đã bước đầu hình thành, dần thay thế những mô hình HTX kiểu cũ. Nhưng điều đáng suy nghĩ, hiện nay số lượng HTX không tăng và đóng góp vào GDP giảm sút liên tục trong 15 năm qua.
Hiện nay, khoảng 13 triệu hộ nông dân Việt Nam về cơ bản là những hộ sản xuất nhỏ lẻ nhất thế giới. Họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong sản xuất và thị trường do hạn chế về quỹ đất, sản xuất nhỏ, giá thành đầu vào của sản xuất cao, thiếu vốn, thiếu đầu ra ổn định và đặc biệt thiếu kiến thức, kỹ năng về công nghệ nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp.
Trên địa bàn tỉnh, với xu thế tăng nhanh GDP công nghiệp, Liên minh HTX tỉnh đang tập trung phát triển HTX đồng hành với lộ trình xây dựng nông thôn mới (NTM) để bảo đảm sự hài hòa xã hội và giữ vững ổn định khu vực nông nghiệp - nông thôn. Liên minh HTX tỉnh đã có nhiều động thái tập trung hỗ trợ các HTX đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh và dịch vụ, mở rộng quy mô và ngành nghề, tăng cường hoạt động liên doanh, liên kết nhằm huy động mọi nguồn lực, tăng doanh thu, giải quyết thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho xã viên, người lao động trong các HTX. Cùng với sự phát triển kinh tế HTX trong cả nước, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới trong nhiều lĩnh vực như: HTX nông nghiệp, HTX công nghiệp - TTCN, HTX dịch vụ điện, HTX vận tải, HTX vệ sinh môi trường, HTX trồng, sản xuất và chế biến chè, HTX trồng nấm... với quy mô gọn nhẹ, có HTX chỉ khoảng 10-12 người những đem lại hiệu quả thiết thực hơn so với những mô hình HTX kiểu cũ, đông xã viên.
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi, nhiều HTX gặp không ít khó khăn. Đa phần HTX đều có quy mô nhỏ, số lượng thành viên, vốn, phương tiện công cụ phục vụ còn thiếu và lạc hậu, khó tổ chức được các dịch vụ. Năng lực cán bộ quản lý kinh tế yếu; nguồn vốn hạn chế; vấn đề tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp mối liên kết còn lỏng lẻo.
Kinh nghiệm cho thấy HTX nào được thành lập xuất phát từ thực tiễn khách quan mới tồn tại và phát triển được. Để nâng cao sức cạnh tranh thì liên kết sản xuất là đòi hỏi tất yếu. Việc xây dựng HTX kiểu mới không chỉ là câu chuyện thay tên, hay “bình mới, rượu cũ” mà chính là cách thức để nâng cao hiệu quả sản xuất và kết nối nông dân với thị trường thông qua việc tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa nông sản.
Với xu thế phát triển tích cực, HTX kiểu mới sẽ tạo đột phá phát triển cho nông nghiệp. Ở đó, người nông dân vẫn là người chủ với đầy đủ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời nhận được sự hỗ trợ rất hiệu quả từ HTX nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp nhận tối đa các nguồn hỗ trợ của Nhà nước cũng như các nguồn lực của toàn xã hội; có điều kiện để liên kết với doanh nghiệp trong phát triển sản xuất. Khi người nông dân tự nguyện vào HTX tức là họ đã thấy được những cái lợi hơn khi sản xuất nhỏ lẻ bên ngoài.
Thiết nghĩ, các cấp, các ngành chức năng cần tiếp tục đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể, kinh tế HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay; chú trọng hơn nữa phát triển các HTX kiểu mới theo quy định của pháp luật. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX; giải thể các HTX hoạt động hình thức, kém hiệu quả; tạo điều kiện để mô hình HTX kiểu mới hình thành. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật HTX, cụ thể hóa cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể để triển khai thực hiện; gắn việc chỉ đạo xây dựng HTX với chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong phát triển kinh tế hợp tác; đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Liên minh HTX, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, hiệp hội trong phát triển kinh tế tập thể.
Hãy giúp người nông dân vào HTX, để họ thật sự trở thành ông chủ trên chính mảnh ruộng của mình. HTX kiểu mới chắc chắn sẽ là lối ra cho sản xuất nông nghiệp manh mún hiện nay, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế tập thể, dự thảo báo cáo tổng kết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới nêu rõ: “Kinh tế tập thể hiện nay rất yếu, chỉ chiếm 5 đến 6% tổng sản phẩm quốc dân. Vậy đến bao giờ nó mới cùng kinh tế nhà nước đóng vai trò nền tảng? Cần phải có tư duy mới về kinh tế tập thể, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển HTX”.