Biểu giá điện mới phải hợp lý, minh bạch

07:42, 23/09/2015

Ngày 22/9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cùng phối hợp tổ chức hội thảo về đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính, đồng thời là đại diện Công ty tư vấn cho EVN xây dựng ba phương án biểu giá điện cho rằng lý do cần cải tiến biểu giá cũ là vì cơ cấu biểu giá điện hiện tại không còn phù hợp.

 

Ưu tiên người có thu nhập thấp

 

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, phương án 1 là giữ nguyên cách tính giá như hiện hành là không phù hợp vì gây ra nhiều khó khăn trong ghi chỉ số công tơ, khoảng chênh lệch giá giữa một số bậc thang là khá cao, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ điện tăng thì tốc độ tăng tiền điện thanh toán cao hơn so với tốc độ tăng lượng điện sử dụng. Phương án 2 là đồng nhất một mức giá điện cũng không ổn vì như vậy là đánh đồng giá đối với người dùng ít và nhiều, trong khi sử dụng điện đang hướng tới mục tiêu tiết kiệm. Còn phương án 3 là cũng tính theo bậc lũy tiến hiện nay nhưng rút từ 6 bậc xuống còn 3 - 4 bậc. Ưu điểm của phương án 3 là sẽ giúp cho quản lý, kiểm tra, giám sát đơn giản hơn và góp phần thực hiện chính sách xã hội đối với người người sử dụng ít điện cũng như khả năng chi trả thấp.

 

Cho ý kiến về các phương án trên, nhiều chuyên gia đã loại trừ hai kịch bản (phương án 1 và 2) đồng thời đề nghị điều chỉnh cách tính lũy tiến để phù hợp hơn trong thực tế. Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng sẽ không có phương án nào đem lại hài lòng cho tất cả cho nên cần ưu tiên số đông, nhất là người có thu nhập thấp. “Số người dùng trên 400 kWh mỗi tháng chỉ 4,7%, trong khi số người dùng dưới 100% là người nghèo lại lớn hơn nhiều. Nếu không ưu tiên họ thì không khéo chúng ta lại đi bảo vệ người giàu”, ông Kiên nêu quan điểm.

 

Giáo sư Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực đồng tình khi cho rằng dù tỷ lệ hộ dùng điện 400 số trở lên chỉ chưa đến 5% nhưng trung bình mỗi hộ này dùng đến 770 kWh. "Vậy nên tăng mức giá với đối tượng này là đúng đắn", ông nhận xét. Chuyên gia này cũng đề xuất, có thể gộp hai bậc thang 50 và 100 kWh đầu tiên thành một, ghép chung vào các hộ dùng từ 100 kWh trở xuống, các bậc tiếp theo cách nhau 100 số mỗi bậc. “5 bậc là rất hợp lý, cách nhau lại là 100 số chẵn thì ngay các bà nội trợ khi trả tiền cũng dễ nhớ chứ không có gì phức tạp”, Giáo sư Long nhận định.

 

Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét biểu giá 6 bậc đang áp dụng là quá nhiều và nên đưa về 3 - 4 bậc. “Tuy nhiên khoảng cách giữa các bậc, nhất là hai bậc đầu nên giãn cách ra xa hơn, có thể cách nhau 100 - 150 kWh thì mức tiền phải trả sẽ giảm xuống”, ông Thiên nói.

 

Minh bạch để điều chỉnh giá điện được đồng thuận

 

Giá điện từ năm 2009 đến nay đã qua 7 lần điều chỉnh nhưng không lần nào tạo được sự đồng thuận của người tiêu dùng. Tất nhiên, không người dùng nào muốn hầu bao của mình liên tục nhỏ đi vì giá tăng nhưng mặt khác, cũng phải nhìn nhận, EVN, Bộ Công Thương chưa thực sự minh bạch, luận cứ đưa ra chưa đủ sức thuyết phục với người dân. Trong khi giá điện có tác động lớn đến sản xuất, tiêu dùng nên thường rất nhạy cảm với các biến động.

 

“Đến lúc này chúng tôi chưa nghiêng về phương án nào mà việc đó sẽ do Bộ Công Thương lựa chọn, hoàn chỉnh để trình Thủ tướng quyết định. Nhưng quan điểm EVN cũng là không nên bán điện đồng giá, cần theo bậc theo lũy tiến để người dùng điện quá cao thì phải chịu giá cao".

Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri

 

Do đó, theo nhiều chuyên gia, việc điều chỉnh biểu giá điện lần này phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch, dễ giám sát, người dùng nhiều phải trả nhiều tiền, người nghèo, đối tượng chính sách thì được hỗ trợ... Do đó, phương án thu gọn từ 6 bậc xuống còn 3 - 4 bậc cũng là cách tương đối hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Thế nhưng, đó cũng chỉ là những đòi hỏi đơn giản từ người sử dụng hàng hóa. Điều quan trọng khác mà người tiêu dùng đòi hỏi là sự minh bạch của ngành điện để người tiêu dùng không phải chịu cảnh ấm ức trả tiền vì sự thiếu minh bạch.

 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), người tiêu dùng vẫn suy nghĩ EVN kinh doanh ngoài ngành, thất thoát nhưng lại đưa vào giá điện. Đó là suy nghĩ thực tế hiện nay và rất khó thay đổi. Do đó, câu chuyện đặt ra là bên cạnh cách thay đổi biểu giá thì EVN phải làm sao quản lý hiệu quả ngay chính ngành mình và minh bạch hơn nữa hoạt động của mình.

 

Điện là mặt hàng nhạy cảm bậc nhất do động vào túi tiền của tất cả người tiêu dùng, toàn xã hội. Một giải pháp đưa ra không thể làm hài lòng mọi đối tượng chịu tác động. Thế nên, nhiều chuyên gia đều cho rằng, điều người tiêu dùng quan tâm hơn cả chính là câu chuyện công khai, minh bạch. Người mua điện phải biết chính xác được mình mua được bao nhiêu số kWh tháng đó, phải trả bao nhiêu tiền chứ không chỉ có ngành điện được biết. Do đó, sự công khai, minh bạch trong các chi phí tạo nên giá thành điện lẫn trong thực hiện, có sự giám sát của người dùng vẫn là tiếng nói đáng được lắng nghe trong rất nhiều phản ứng của dư luận thời gian qua. Như vậy mới thực sự sòng phẳng giữa người mua - bán mà ở đây là người tiêu dùng và EVN. Như chính lời ông Nguyễn Mạnh Hùng: “Người tiêu dùng không đòi giá thấp mà họ đòi hỏi sự công bằng, minh bạch, trả giá cho sản phẩm mua một cách thỏa đáng”.

Ba phương án EVN đề xuất

 

Phương án 1: Giữ nguyên 6 bậc như hiện nay. Biểu giá hiện hành phức tạp, khi nhu cầu sử dụng cao thì tốc độ giá nhảy vọt, tăng nhanh hơn tốc độ sử dụng điện.

Phương án 2: EVN đề nghị sẽ chỉ có một mức giá điện sinh hoạt là 1.747 đồng/kWh - là mức giá trung bình của biểu giá điện theo bậc thang hiện hành. Với phương án này, EVN công nhận những người đang sử dụng điện dưới 240kwh/tháng sẽ bị thiệt, vì không được hưởng mức giá thấp nữa, người nghèo bị ảnh hưởng. Người dùng trên 240 kWh/tháng sẽ được lợi. Nhưng theo EVN phương án này có lợi là mở ra hướng giúp 1 quý chỉ ghi chỉ số công tơ một lần.

Phương án 3: EVN đề xuất chỉ còn 3 bậc hoặc 4 bậc thang điện. Phương án này lại có 5 kịch bản, với các cách phân chia khác nhau, nhưng dễ hiểu nhất là phân ra sử dụng 100 kWh/tháng giá 1.501 đồng/kWh; 200 kWh/tháng giá 1.907 đồng/kWh và trên 300 kWh/tháng giá 2.557 đồng/kWh. EVN cho biết phương án 3 này cũng có giá trung bình các bậc thang là 1.747 đồng/kWh.