Bình Thuận: Bệnh sốt xuất huyết tăng đột biến

17:19, 22/09/2015

Mặc dù ngành y tế và các địa phương đã nỗ lực phòng chống, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiềm chế lây lan nhưng tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang diễn biến khá phức tạp với số ca mắc bệnh liên tục tăng cao. Tính đến ngày 22/9, toàn tỉnh có 946 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2014 (395 ca).

Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, từ giữa tháng 7 tới nay số ca mắc sốt xuất tăng đột biến, tăng 716 ca so với 6 tháng đầu năm. Các địa phương có số người mắc cao là La Gi 407 ca, Phan Thiết 246 ca, Đức Linh 61 ca…Đặc biệt, năm nay số ca mắc sốt xuất huyết ở người từ 15 tuổi trở lên tăng cao. Toàn tỉnh ghi nhận 251 bệnh nhân từ 15 tuổi trở lên mắc bệnh sốt xuất huyết (năm 2014 toàn tỉnh chỉ có 61 ca).

 

Thị xã La Gi, địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất tỉnh, tình hình bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm mà tiếp tục gia tăng và phân bố đều khắp ở 9 xã, phường. Bệnh bùng phát từ tháng 6 và đến nay đã có 402 ca mắc (năm 2014 toàn thị xã chỉ có 26 ca). Theo Trung tâm y tế thị xã La Gi, ngay khi bệnh bùng phát, Trung tâm triển khai các biện pháp phòng chống, dập dịch như huy động người dân cùng cán bộ y tế ra quân úp các thúng chai chứa nước mưa của ngư dân, vệ sinh các lu vại chứa nước tại gia đình, phun xịt hóa chất diệt muỗi, lăng quăng trên diện rộng…Thị xã đã khống chế được các ổ dịch lớn tại Tân Phước, các ổ dịch nhỏ tại các xã đang được theo dõi, phun xịt hóa chất để bệnh không lây lan.

 

Tại tỉnh Bình Thuận bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 9, 10. Để kiềm chế không cho bệnh lây lan, phát triển thành dịch, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh tiếp tục triển khai các biện pháp xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ; tiến hành phun hóa chất diệt muỗi; phát động chiến dịch diệt lăng quăng trên diện rộng bằng xe phun lưu động… Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tác động tới ý thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết; tuyên truyền hướng dẫn người dân cách dự trữ nước đúng cách để không phát sinh muỗi, lăng quăng, vệ sinh nhà cửa và không gian thoáng mát, tránh ao tù nước đọng quanh khu vực sinh sống…Bên cạnh đó, ngành y tế cũng khuyến cáo người dân nên đưa người bệnh đến các cơ sở khám chữa bệnh để được điều trị kịp thời khi thấy các dấu hiệu: sốt cao kéo dài 2 - 7 ngày, đau đầu, nổi mẩn, phát ban…/.