Các doanh nghiệp tiếp đà hồi phục

14:04, 21/09/2015

Từ thực tế hiện nay cho thấy tình hình hoạt động của các doanh nghiệp (DN) trên cả nước đang tiếp đà hồi phục diễn ra từ đầu năm đến nay. Sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế đã và đang tạo thêm cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh cho nhiều đơn vị. Tuy nhiên, bức tranh DN không chỉ toàn màu sáng…

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong tháng 8 vừa qua, số doanh nghiệp (DN) được thành lập mới trên cả nước là hơn 9.300 đơn vị, với số vốn đăng ký trên 55.150 tỷ đồng (tăng 41% về số lượng và 41,9% về vốn đăng ký so với tháng 7). Tính chung qua 8 tháng của năm nay, cả nước có thêm hơn 61.300 DN được thành lập mới, với tổng vốn đăng ký trên 376.410 tỷ đồng (tăng 29,2% về số lượng và 29,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Tính thêm cả phần vốn mà các DN xin điều chỉnh, tăng thêm thì nền kinh tế đã được bổ sung tổng cộng gần 857.960 tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN đạt 6,1 tỷ đồng (tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2014), số lao động được tạo việc làm tại các DN thành lập mới là trên 873 nghìn người (tăng 23,3%). Từ thực tế này cho thấy tình hình hoạt động của các DN đã phần nào được cải thiện, tiếp đà hồi phục diễn ra từ đầu năm đến nay. Đáng lưu ý là các DN hồi phục khá đồng đều, thể hiện ở chỗ số DN thành lập mới đã tăng ở tất cả các ngành sản xuất. Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 11.300 DN ngừng hoạt động trong thời gian trước nay quay trở lại hoạt động (tăng 3,7% so với cùng kỳ). Đây là con số đáng khích lệ, cho thấy sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế đã tạo thêm cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh cho nhiều đơn vị.

 

Tuy nhiên, bức tranh DN không chỉ toàn màu sáng, bởi vẫn còn có hơn 39.000 DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 8 tháng qua (tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước), trong đó có trên 11.240 đơn vị đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hơn 27.800 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số hoặc không đăng ký. Đặc biệt, các chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại về sức cạnh tranh của các DN quy mô nhỏ và vừa, nhất là những đơn vị thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản (do ảnh hưởng của tình trạng "được mùa, mất giá"). Mặt khác, nhiều DN vẫn tiếp tục đối diện với những hạn chế, yếu kém cố hữu đã được nhận diện từ lâu nhưng chưa được khắc phục hiệu quả (như công nghệ lạc hậu, thiếu kỹ năng quản lý, thiếu vốn). Theo đánh giá của các tổ chức kinh tế quốc tế, nhiều DN của Việt Nam còn yếu kém về trang bị công nghệ, khả năng cạnh tranh và thiếu sự chủ động khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (đến nay, tỷ lệ DN tham gia vào chuỗi giá trị này mới chỉ chiếm hơn 20% trong tổng số các DN đang hoạt động, thấp hơn hẳn so với một số nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan)…

 

Để tiếp tục hỗ trợ các DN, mới đây, Chính phủ đã yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương đưa những nội dung, quy định của các luật quan trọng (như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản) vào đời sống. Đây là những luật mới ban hành, có những bước đột phá rất lớn về sự thông thoáng và phù hợp với tập quán quốc tế cũng như những cam kết của Việt Nam với các đối tác trong quá trình hội nhập, nhất là có tác dụng "cởi trói" cho DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đang chỉ đạo ngành Thuế tăng tốc cải cách các thủ tục về thuế, tập trung hỗ trợ tối đa cho DN trong việc kê khai, thực hiện nộp thuế và áp dụng hình thức kê khai thuế điện tử (thay cho việc hàng tháng, hàng quý các DN phải cử người đến cơ quan thuế nộp ngân sách theo phương pháp thủ công)…

 

Với những giải pháp kịp thời, hữu hiệu nêu trên, hy vọng trong thời gian tới, các DN trên cả nước sẽ tiếp tục hồi phục đà tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ hơn, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thị trường trong bối cảnh nền kinh tế đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng.