Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay các tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng đã khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm không theo quy hoạch làm cho nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm, nhất là vào các tháng mùa khô hàng năm.
Những năm qua, rừng Tây Nguyên bị tàn phá nặng nề, diện tích rừng ngày càng thu hẹp, cộng với những yếu tố bất lợi của thời tiết như lượng mưa hàng năm có xu hướng giảm, mùa khô kéo dài và sự thay đổi nhanh chóng của lớp phủ bề mặt trên thành tạo địa chất khiến tài nguyên nước ngầm suy giảm. Bên cạnh đó, diện tích sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên, đặc biệt là các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu nhu cầu cần nước tưới trong mùa khô ngày càng lớn dẫn đến tình trạng khai thác nguồn nước ngầm tràn lan, không kiểm soát được nên mực nước ngầm đã giảm bình quân từ 3 - 5 mét, có nơi giảm từ 6 - 8 mét.
Qua điều tra, khảo sát của Đoàn địa chất 704, một số vùng như Krông Pắk, Lắk, Krông Búk và vùng phía Đông của thành phố Buôn Ma Thuột mực nước ngầm tiềm năng không còn nhiều như 5 năm về trước. Tại vùng Lắk, Krông Pắk, Ea Kar, Cư Kuin năm 2004 có thể khai thác tối đa 0,4 - 0,6 triệu mét khối/ngày thì nay chỉ còn chưa đến 300.000 mét khối/ngày và nhiều nơi còn ở dưới mức 250.000 mét khối/ngày.
Ngay tại Đắk Lắk, các hộ gia đình sản xuất kinh doanh cà phê đã tự động tổ chức khoan trên 5.000 giếng khoan để lấy nước ngầm phục vụ tưới cho cà phê, hồ tiêu trong mùa khô. Mỗi giếng khoan khoan sâu xuống lòng đất từ 70 đến hàng trăm mét, có đường kính 15cm, sau đó dùng điện ba pha hút nước lên tưới cho cà phê, hồ tiêu…Theo các ngành chức năng, việc này sẽ gây hậu quả khôn lường, làm thủng tầng nước ngầm ở nhiều nơi và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cạn kệt nguồn nước ngầm ở vùng Tây Nguyên.
Ngay mùa khô của năm 2015, do khai thác nguồn nước ngầm quá mức để tưới cho cà phê làm cho mực nước ngầm của thành phố Buôn Ma Thuột cạn kiệt, bình quân giảm 15.000 mét khối /ngày đêm so với trước nên nhiều xã, phường buộc phải cắt nước luân phiên từ 2 - 3 ngày/tuần trong các tháng 4, 5 và hàng loạt giếng đào đều cạn trơ đáy…
Trước thực trạng trên, các tỉnh Tây Nguyên cần sớm quy hoạch, sử dụng tài nguyên nước ngầm, nước mặt một cách đồng bộ, hợp lý, khoa học. Trong đó, các tỉnh Tây Nguyên nên ưu tiên nguồn nước ngầm phục vụ dân sinh (không tìm cách vắt kiệt nguồn nước ngầm phục vụ sản xuất nông nghiệp như hiện nay) nhằm đảm bảo phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn./.