Để chế độ đãi ngộ nhà khoa học đi vào thực tế

15:07, 07/09/2015

Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ đã dành nhiều sự quan tâm đối với các nhà khoa học trẻ Việt Nam, nhiều chính sách đãi ngộ với các nhà khoa học trẻ được ban hành, hành lang pháp lý cũng như môi trường cho nghiên cứu khoa học đã thông thoáng hơn, nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng chế độ đãi ngộ chưa đi vào thực tế. Các nhà khoa học trẻ kiến nghị cần đưa vào thực tế các chính sách đã được ban hành và các giải thưởng nghiên cứu khoa học cũng nên áp dụng cho tất cả các ngành, chứ không chỉ dành riêng khối khoa học tự nhiên.  

Tiến sĩ Cao Đinh Kiên, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cho biết: Chế độ đãi ngộ cho công tác nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn thấp, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến động lực nghiên cứu của nhà khoa học. Tuy vậy, ý chí và sự quyết tâm của nhà khoa học trẻ không vì thế bị thui chột, họ vẫn miệt mài nghiên cứu, tìm tòi những gì xã hội cần, doanh nghiệp cần và tìm địa chỉ để áp dụng những kết quả nghiên cứu của mình.

 

Là nhà khoa học trẻ và cũng là người sáng lập “Nhóm nghiên cứu mạnh” của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, Tiến sĩ Cao Đinh Kiên cho rằng ngoài niềm đam mê nghiên cứu, sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, thành công của một nhà khoa học nói chung và nhà khoa học trẻ nói riêng còn phụ thuộc rất lớn vào môi trường làm việc. Các nhà khoa học được hòa mình vào môi trường làm việc có nhiều cơ hội nghiên cứu, chia sẻ, là tiền đề để đưa ra các ý tưởng nghiên cứu mới cũng như góp phần đưa các nghiên cứu vào thực tế.

 

Thạc sĩ Lê Văn Huyên, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông là nhà khoa học trẻ đã có 11 sáng kiến, giải pháp được đưa vào áp dụng trên mạng Mobifone, giúp Tổng công ty Viễn thông Mobifone tiết kiệm 25 tỉ đồng chi phí đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” giai đoạn 2010-2015, là 1 trong 13 cá nhân được vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam năm 2015”. Thạc sỹ Lê Văn Huyên chia sẻ: Chế độ đãi ngộ nhà khoa học trẻ rất quan trọng, trong đó cơ chế tiền lương là cần thiết để thu hút người trẻ hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Sau khi tốt nghiệp đại học chỉ có một số ít người làm việc trong các viện, các cơ quan nghiên cứu hay hoạt động trong lĩnh vực khoa học, điều này cho thấy chế chộ đãi ngộ chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà khoa học trẻ.

 

Liên quan đến vấn đề đãi ngộ, Tiến sĩ Hoàng Mai Hà, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh: Giới khoa học trẻ ngày càng thực tế hơn trước, trong khi các cơ quan nghiên cứu ngày càng trở nên thiếu hấp dẫn và không thu hút được nhiều sinh viên giỏi, đam mê khoa học. Để khắc phục điều này, một số Viện nghiên cứu đã có cách riêng để thu hút nhân lực khoa học giỏi như tại Viện Hóa Học, có chế độ tuyển thẳng các Tiến sỹ tốt nghiệp ở nước ngoài và một số sinh viên tốt nghiệp đại học xuất sắc, hay Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đang áp dụng hệ đề tài cấp cơ sở theo hướng ưu tiên các nhà nghiên cứu trẻ.

 

Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều cố gắng trong việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Các chính sách trong nghiên cứu khoa học đang dần được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các nhà khoa học. Các giải thưởng cũng góp phần khích lệ thế hệ trẻ đam mê nghiên cứu khoa học, đặc biệt sự ra đời của Quỹ NAFOSTED là một thành công trong việc hỗ trợ, thúc đẩy nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ.

 

Dự kiến ngày 11/9 tới, Bộ Khoa học và Công nghệ lần đầu tiên tổ chức buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo Chính phủ với các nhà khoa học trẻ tiêu biểu có tuổi đời không quá 35 tuổi, thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật; khoa học tự nhiên; khoa học xã hội và nhân văn; khoa học nông nghiệp; khoa học y dược, nhằm ghi nhận, biểu dương những đóng góp của các thế hệ tài năng trẻ, nhà khoa học trẻ với sự phát triển của đất nước nói chung, nền khoa học và công nghệ nói riêng; đồng thời khuyến khích, động viên đội ngũ nhà khoa học trẻ tiếp tục duy trì đam mê, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học trẻ nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình để từ đó có cơ chế, chính sách phù hợp hơn, tạo môi trường thực sự cho họ nghiên cứu, cũng như đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn./.