Đề xuất giải pháp quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường

14:52, 29/09/2015

Trong khuôn khổ Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV năm 2015, ngày 29/9, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo Quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được trong công tác bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, đồng thời xác định những vấn đề còn tồn tại, khó khăn và vướng mắc, rút ra các bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho công tác bảo vệ môi trường ở nước ta giai đoạn 5 năm tới.

 

Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, năm 2010 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thành công Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ III và các sự kiện liên quan. Hội nghị đã thực sự trở thành ngày hội của những người làm công tác bảo vệ môi trường, từ các nhà quản lý, hoạch định chính sách đến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, đại diện tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư, tổ chức quốc tế cùng tham gia trao đổi, thảo luận, xác định các vấn đề cốt lõi, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015.

 

Cùng với mục tiêu thống nhất nhận thức về những vấn đề môi trường đặt ra đối với nước ta, các đại biểu tham gia hội thảo cũng xác định các nhiệm vụ trọng tâm và đề xuất các giải pháp đột phá nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2016 - 2020, để báo cáo trước Phiên toàn thể tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV. Bên cạnh đó, Hội thảo còn tạo lập diễn đàn đối tác công - tư để các nhà quản lý các cấp, các chuyên gia trao đổi, thảo luận, đánh giá về các vấn đề môi trường, các nhiệm vụ và giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

 

Tại phiên họp thứ nhất: Môi trường Việt Nam - Những vấn đề đặt ra và hướng giải quyết, các đại biểu đã tập trung vào 3 chủ đề chính: Phòng ngừa và giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường; quản lý chất thải; khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với các vấn đề môi trường toàn cầu của Việt Nam.

 

Ông Lê Hoài Nam, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) cho biết: Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, thực trạng môi trường đang nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp, trong đó vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường đang có xu hướng gia tăng, ngày một gay gắt, đe dọa trực tiếp tới các thành quả về phát triển. Tình trạng chất lượng môi trường đang tiếp tục bị xấu đi, ô nhiễm môi trường nước, không khí có nguy cơ lan rộng tại đô thị và vùng nông thôn. Nguồn nước mặt, nước ngầm nhiều nơi bị suy thoái, cạn kiệt; đa dạng sinh học tiếp tục bị suy giảm; biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, triều cường, lũ, lụt, mưa, bão với cường độ ngày càng lớn, phức tạp.

 

Trước thực trạng này, ông Lê Hoài Nam đã đưa ra một số giải pháp trước mắt và lâu dài như tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp; hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng; thực hiện công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

 

Các địa phương cũng cần tập trung khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn, làng nghề; tăng cường kiểm soát việc sử dụng hóa chất nông nghiệp; đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, thức ăn chăn nuôi; tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề; lập danh mục các loại hình và quy mô làng nghề cần được bảo tồn, phát triển; các loại hình và quy mô sản xuất làng nghề cần loại bỏ khỏi khu vực dân cư, nông thôn; đồng thời ban hành chính sách cụ thể về hỗ trợ công nghệ sản xuất, đào tạo nhân lực, mặt bằng sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm và đầu tư phát triển nông thôn, làng nghề; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất hoạt động dưới danh nghĩa làng nghề để gia công, sản xuất các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cùng với đó, thực hiện lồng ghép có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020.

 

Đối với tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị, thành phố lớn, các đại biểu cho rằng cần kiểm soát có hiệu quả nguồn thải của các phương tiện giao thông vận tải, có chính sách khuyến khích phát triển các phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch; nghiên cứu xây dựng Chương trình quốc gia về đầu tư, xử lý nước thải, trước mắt tập trung vào các đô thị lớn; đẩy nhanh tiến độ di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi các đô thị, khu dân cư tập trung; kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu, máy móc, trang thiết bị, hàng hóa…

 

Các đại biểu cũng đề nghị cần tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường, ưu tiên cho cấp quận, huyện và phường, xã; đẩy mạnh hoạt động đưa nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, các tầng lớp xã hội thực hiện nếp sống văn hóa thân thiện với môi trường, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

 

Chiều cùng ngày, Hội thảo sẽ họp phiên thứ hai “Tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường” với hai chủ đề: “Hoàn thiện thể chế, pháp luật và huy động nguồn lực để bảo vệ môi trường” và “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật và phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, cộng đồng”./.