Tăng cường năng lực mạng lưới nghiên cứu lao và bệnh phổi

17:11, 17/09/2015

Chiều 17/9, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức hội thảo "Tăng cường năng lực mạng lưới nghiên cứu lao và bệnh phổi tiến tới thanh toán bệnh lao ở Việt Nam" với sự tham gia của các nhà khoa học trong nước và quốc tế trong lĩnh vực lao và bệnh phổi.  

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết: Công tác phòng chống bệnh lao ở Việt Nam trong những năm qua đã được Đảng, Chính phủ và Bộ Y tế rất quan tâm. Năm 2014, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; trong đó chỉ tiêu đặt ra rất cao là giảm 30% số mắc và giảm tới 40% số tử vong do lao trong vòng 5 năm từ 2016 đến 2020. Chiến lược đã chỉ ra rất rõ 8 giải pháp mang tính toàn diện và trong đó có nhiều điểm đột phá. Đó là các quan điểm mới về phòng chống lao đi kèm với các chính sách hỗ trợ và sự vào cuộc của hệ thống chính trị; tăng cường áp dụng các công nghệ mới trong chẩn đoán, điều trị và các nghiên cứu giúp mọi người dân được khám và điều trị sớm bệnh lao, bao gồm cả lao kháng thuốc, lao/HIV và lao ở trẻ em.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh: Hội thảo được tổ chức nhằm xây dựng và tăng cường năng lực cho mạng lưới nghiên cứu lao và bệnh phổi. Đây là hoạt động rất quan trọng nhằm thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia phòng chống lao của Việt Nam. Thứ trưởng đề nghị các nhà khoa học trong nước và quốc tế tập trung thảo luận xây dựng được kế hoạch nghiên cứu để có thể tiến tới thanh toán bệnh lao - một mục tiêu rất nhân văn nhưng hết sức khó khăn khi tình hình bệnh lao ở Việt Nam vẫn còn ở mức cao.

 

Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: Việt Nam là nước đứng thứ 12/22 nước có bệnh nhân lao cao nhất với tỷ lệ mắc cao nhất là ở phía Nam, thấp nhất là ở miền núi và cao nguyên. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2014, số người tử vong do lao (loại trừ HIV) tại Việt Nam là 17 nghìn người; số người hiện mắc lao các thể là 190 nghìn người; tỷ lệ lao kháng đa thuốc trong bệnh nhân mới là 4,0%; tỷ lệ lao kháng đa thuốc trong bệnh nhân điều trị lại là 23%... Đến nay, mạng lưới phòng chống lao Việt Nam đã cung cấp dịch vụ chống lao tại tất cả các tuyến như Trung ương (chuẩn hóa kỹ thuật chẩn đoán, đảm bảo chất lượng chẩn đoán, chẩn đoán, điều trị các trường hợp khó, phát triển mạng lưới...); tuyến tỉnh (chẩn đoán, điều trị các trường hợp nặng, chuyển tuyến, giám sát...); tuyến huyện (chẩn đoán lao phổi, đăng ký điều trị, điều trị tấn công) và tuyến xã (phát hiện và chuyển người nghi lao đi khám, quản lý và theo dõi điều trị lao). Tuy nhiên, công tác phòng chống lao tại Việt Nam còn thiếu hụt về kiến thức và kinh phí. Để bù đắp cho những thiết hụt này, Việt Nam cần có một mạng lưới nghiên cứu quốc gia về bệnh lao nhằm xây dựng chương trình nghiên cứu và các ưu tiên nghiên cứu bệnh lao quốc gia...

 

Nhân dịp này, Trung tâm Hợp tác nghiên cứu lao và bệnh phổi Việt Nam (VICTORY) trực thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương đã được thành lập. Trung tâm là đầu mối quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của bệnh viện; đồng thời có chức năng xây dựng và phát triển mạng lưới nghiên cứu bệnh lao, xây dựng và phát triển mạng lưới nghiên cứ bệnh phổi và huy động nguồn lực, hỗ trợ, khuyến khích các nghiên cứu chuyên ngành tại Việt Nam.

 

Theo Bệnh viện Phổi Trung ương, Trung tâm được thành lập sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện trong chuyên ngành tại các tuyến trên cả nước. Đây cũng là cơ hội để những người mắc bệnh lao và bệnh phổi của Việt Nam được hưởng những tiến bộ khoa học hiện đại nhất trong chăm sóc y tế.../.