Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, từ đầu tháng 9 đến nay, tại Đồng Nai đã có thêm 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết; trong đó có 1 trường hợp là người lớn tuổi (57 tuổi) ở huyện Tân Phú, trường hợp còn lại là bé 8 tháng tuổi ở huyện Trảng Bom. Như vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Đồng Nai đã có 4 người bị tử vong vì sốt xuất huyết, trong đó có 2 trẻ em và 2 người lớn.
Ông Nguyễn Văn Danh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán (Bệnh viện Định Quán) cho biết: Sáng 16/9, bà Đỗ Thị Xuân Hương (57 tuổi, ngụ tại xã Phú Bình, huyện Tân Phú) nhập viện trong tình trạng bị choáng, sốc sốt xuất huyết. Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị viêm cơ tim, suy tim, tổn thương đa phủ tạng, men gan tăng 10 lần so với bình thường. Bệnh viện đã nhanh chóng tiến hành truyền dịch, điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, song người bệnh vẫn không hết sốc, đến chiều cùng ngày, bà Hương tử vong.
Theo ông Danh, năm 2014 trở về trước, 80% số người mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán là trẻ em. Năm 2015, bệnh diễn biến phức tạp, người lớn tuổi (trên 16 tuổi) mắc bệnh tăng cao. Hiện có 55 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị nội trú tại bệnh viện, trong số này có 35 ca là người lớn tuổi. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị sốt xuất huyết nhưng phát hiện chậm, đến khi bệnh chuyển nặng mới đi khám, gây khó khăn cho công tác điều trị.
Đại diện Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết: Những năm qua, người trên 16 tuổi mắc sốt xuất huyết ở Đồng Nai không nhiều, người lớn tử vong do bệnh này hiếm khi xảy ra. Năm 2015, số người trên 16 tuổi mắc và tử vong do sốt xuất huyết tăng đột biến (chiếm 50%). Các bệnh viện ở Đồng Nai đã ghi nhận hàng trăm người lớn tuổi bị sốt xuất huyết nặng; sốc sốt xuất huyết; xuất huyết chân răng, mũi; xuất huyết tiêu hóa; tổn thương đa phủ tạng. Sốt xuất huyết đang diễn biến rất nguy hiểm, 6 tháng đầu năm 2015, Đồng Nai chỉ có 1 ca tử vong do bệnh này, nhưng từ tháng 7 đến nay đã có thêm 3 cả tử vong.
Hiện vẫn có nhiều người nhận thức chưa đầy đủ về sốt xuất huyết, cho rằng lớn tuổi thì ít có khả năng mắc bệnh này; đã bị sốt xuất huyết rồi sẽ không bị lại nữa. Đây là quan niệm sai lầm, bởi trường hợp mắc sốt xuất huyết rồi vẫn có thể bị sốt xuất huyết lại và có khả năng còn nặng hơn. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue gây bệnh là D1, D2, D3, D4. Một người đã từng mắc sốt xuất huyết sẽ miễn dịch với một tuýp virus nhưng miễn dịch này không bền vững nên vẫn có khả năng mắc sốt xuất huyết lại do tuýp virus đó hoặc do tuýp virus khác. Sốt xuất huyết lần 2 thường nặng hơn lần đầu, nếu ai bị sốc ở lần đầu thì lần sau sẽ bị sốc nặng hơn.
Thống kê của Sở Y tế Đồng Nai cho thấy, từ đầu năm 2015 đến nay, Đồng Nai ghi nhận gần 5.000 trường hợp bị sốt xuất huyết, tăng gần 180% so với cùng kỳ năm 2014. Riêng thành phố Biên Hòa có hơn 2.100 ca bệnh, tăng 320% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều tháng qua, ngành y tế Đồng Nai đã tiến hành nhiều biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (tuyên truyền, xử lý các ổ dịch, tổ chức diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi) song hiệu quả không cao; nhiều người dân vẫn chủ quan, lơ là trong việc phòng bệnh. Biện pháp Đồng Nai đưa ra trong thời gian tới là nâng cao ý thức phòng tránh bệnh cho người dân; giúp dân thấy được sốt xuất huyết là bệnh rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Khuyến cáo mọi tầng lớp nhân dân tích cực diệt lăng quăng, muỗi bằng cách lật úp các dụng cụ chứa nước, không để nước ứ đọng trong vườn và các vật dụng trong nhà, tiến hành dọn dẹp vệ sinh thường xuyên. Nếu bị mắc sốt xuất huyết, người bệnh phải lập tức đi khám ở cơ sở y tế, không tự ý điều trị tại nhà./.