Tinh giản biên chế

08:15, 26/09/2015

Tinh giản biên chế (TGBC) là câu chuyện không mới. Thời gian gần đây, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 về TGBC và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (Nghị quyết số 39-NQ/TW) đã thu hút nhiều người dân quan tâm. Nghị quyết yêu cầu cần có các biện pháp đồng bộ để TGBC đối với những cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu công việc; đồng thời có cơ chế thu hút người tài vào hoạt động công vụ.

Việc bộ máy chính quyền đang ngày càng “phình ra”, trong khi GDP của nước ta đang ở mức thấp so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới đã ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí thua thiệt trước những cơ hội hội nhập. Thực trạng ở nhiều cơ quan Nhà nước hiện nay, số lượng đội ngũ CBCCVC đông nhưng không mạnh, thậm chí không đáp ứng được yêu cầu công việc. Một trong những nguyên nhân là do việc tuyển dụng chưa thực sự chọn được người có tài. Không thể phủ nhận, với mức lương "khiêm tốn" như hiện nay, nhiều cán bộ trẻ, có năng lực đã không lựa chọn vào làm việc ở khu vực Nhà nước do mức lương thấp, ít chế độ đãi ngộ.

 

10 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện TGBC 3 lần nhưng chưa lần nào đạt được kết quả như mong muốn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã từng báo cáo trước Quốc hội, đến năm 2013, sau 10 năm thực hiện tinh giản, số lượng biên chế không những không giảm mà còn tăng thêm, bộ máy ngày càng "phình ra". Chủ trì hội nghị trực tuyến mới đây về cải cách thủ tục hành chính và công bố chỉ số hài lòng của người dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chỉ rõ: Một bộ phận CBCCVC có tinh thần phục vụ kém, thiếu trách nhiệm, sách nhiễu, tiêu cực trong khi việc kiểm tra, xử lý chưa quyết liệt, nghiêm túc... Chính những hạn chế này đã và đang làm cản trở nỗ lực cải cách hành chính, làm chậm đi sự phát triển của đất nước. Trong bối cảnh như vậy, Nghị quyết số 39-NQ/TW ban hành rất kịp thời và có ý nghĩa.

 

Theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số CBCCVC mới không quá 50% số biên chế CBCCVC đã thực hiện TGBC và không quá 50% số biên chế CBCCVC đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc. Quy định số lượng như vậy nhằm tránh tình trạng ngày càng "phình ra" của bộ máy cơ quan Nhà nước. Một nội dung quan trọng trong Nghị quyết được mọi người rất quan tâm, đó là cần sớm có cơ chế thu hút người tài vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước, nhất là chính sách đãi ngộ về tiền lương cũng như tạo môi trường để người tài phát huy được năng lực, đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” gần đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, tới đây, Bộ Nội vụ sẽ triển khai một loạt các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để thực hiện TGBC, cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC. Theo đó, sẽ đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý biên chế theo hướng tập trung, thống nhất; đẩy mạnh và hoàn thành việc xác định vị trí việc làm để trên cơ sở đó, bố trí số biên chế hợp lý cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời tiến hành xã hội hóa một số lĩnh vực nhiệm vụ công, xem đây là khâu đột phá; đồng thời nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện TGBC.

 

Từ trước tới nay, biên chế giao cho các cơ quan, đơn vị nào thường là “bất di, bất dịch”, chỉ tăng thêm chứ ít khi giảm đi. Rất nhiều cơ quan, tổ chức có quan niệm, có thể không tuyển thêm người nhưng phải thêm định mức biên chế nhằm tạo ra khoản kinh phí “hợp lý” cho cơ quan, tổ chức mình, bởi vì có biên chế thì chắc chắn phải kèm theo kinh phí bổ sung. Theo yêu cầu nhiệm vụ thực tế thì hiện nay có nhiều cơ quan được giao thêm nhiệm vụ mới nhưng biên chế vẫn không tăng do không có nguồn biên chế để bố trí. Ngược lại một số cơ quan, đơn vị do biến chuyển của xã hội mà chức năng, nhiệm vụ trước đây đã được xã hội hóa hoặc giao cho ngành khác thực hiện nhưng biên chế, bộ máy vẫn được giữ nguyên, không bị cắt giảm tương ứng. Điều đó dẫn đến tình trạng ngay giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong cùng hệ thống chính trị nhưng đã có sự bất hợp lý, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao.

 

TGBC, cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC đang là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, nhất là trong thời kỳ hội nhập kinh tế được triển khai thực hiện sôi động, rộng khắp trong cả nước như hiện nay. Tới đây, tỉnh ta cũng sẽ từng bước triển khai thực hiện TGBC. Người dân đặt rất nhiều kỳ vọng vào TGBC theo Nghị quyết số 39-NQ/TW; mong muốn, các cơ quan có thẩm quyền quan tâm cân đối, điều hòa, sắp xếp, điều chỉnh lại biên chế giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị hợp lý, trên cơ sở thực tế nhiệm vụ được giao; tinh giảm đúng đối tượng, tránh tình trạng cào bằng, máy móc trong TGBC sẽ ảnh hưởng không tốt đến các cơ quan được giao thêm chức năng, nhiệm vụ nhưng không những không được bổ sung biên chế mà còn bị tinh giản tương tự như các cơ quan, tổ chức khác là không hợp lý.   

 

Mục tiêu TGBC là để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, nhằm vào những người không đáp ứng được công việc vì lý do sức khỏe, trình độ, năng lực, phẩm chất, do vi phạm kỷ luật lao động, kỷ cương. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã khẳng định: Trong TGBC không có vùng cấm đối với bất cứ ai, người nào không đáp ứng yêu cầu công việc đều đưa vào danh sách TGBC. Đây là việc làm rất cần thiết để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, đáp ứng yêu cầu tiếp tục cải cách chế độ công vụ hiện nay. Nhiều người sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng làm việc hiệu quả không nhất thiết phải nghỉ trước tuổi. Chúng ta cũng không nên quá quan tâm phải đưa con số cụ thể là bao nhiêu người ra khỏi công vụ mà cần quan tâm làm thế nào để đưa được những người không đáp ứng yêu cầu công việc ra khỏi công vụ, thay vào đó bằng những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, trách nhiệm, tận tụy phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, chúng ta mới thực sự đạt được mục tiêu của TGBC lần này.

 

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, sau 5 năm thực hiện Nghị định số 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách TGBC, tính đến hết năm 2012, tổng số CBCCVC từ Trung ương đến cấp huyện là 388.480 người (tăng hơn 42.000 biên chế); CBCCVC cấp xã là 257.675 người (tăng hơn 14.000 biên chế). Trong số 67.389 người nghỉ thuộc diện TGBC trên cả nước có tới 61.018 người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm hơn 90,5%). Ðiều đó cho thấy, chính sách TGBC chưa thật sự giảm được những người cần giảm - những người chưa đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm; vẫn còn tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu biên chế trong một cơ quan, tổ chức.