VietJet Air mang cơ hội đi máy bay cho mọi người dân

08:05, 09/09/2015

VietJet Air là hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, hoạt động theo mô hình hàng không thế hệ mới. Sau hơn ba năm hoạt động, đến nay VietJet Air đã phát triển đội bay với 26 máy bay A320 và A321, vận chuyển hơn 12,5 triệu hành khách, có hơn 33 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến các nước và vùng lãnh thổ như Xin-ga-po, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái-lan, Mi-an-ma, thực hiện 180 chuyến bay mỗi ngày.

Mới đây tại tỉnh Gia Lai, trong dịp khánh thành dự án cải tạo nâng cấp cảng hàng không Plây Cu, Chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, hạ tầng cơ sở các sân bay mở đến đâu, VietJet Air cố gắng bay đến các điểm đó để phục vụ cho người dân nhất là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có cơ hội đi máy bay. VietJet Air mong muốn mang đến cho người dân trong nước và bạn bè quốc tế đến với Việt Nam có phương tiện đi lại tiện ích mà chi phí lại tiết kiệm, dịch vụ chất lượng. Đây cũng là mục tiêu mà VietJet Air hướng tới từ khi thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên của hãng cách đây hơn ba năm.

 

Bằng chiến lược đầu tư bài bản, kế hoạch phát triển bền vững, được ủng hộ bằng những cơ chế “mở cửa bầu trời”, chính sách xã hội hóa thị trường hàng không của Chính phủ, sau hơn ba năm cất cánh, VietJet Air đã “cán đích” vận chuyển hơn 12 triệu lượt hành khách, trở thành “hiện tượng của hàng không thế giới” và là thí dụ minh chứng về kinh tế thị trường tại Việt Nam.

 

Với sự tham gia của VietJet Air, thị trường hàng không trong nước có sự cạnh tranh tích cực, trở nên sôi động chưa từng có. Chỉ trong một thời gian ngắn, máy bay không còn là phương tiện đi lại xa xỉ mà đã thật sự trở thành phương tiện đi lại phổ biến cho tất cả người dân Việt Nam. Chưa bao giờ giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hằng ngày có hơn 50 chuyến bay của các hãng hàng không (cứ 15 - 20 phút có chuyến bay), giữa TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng khoảng 30 chuyến bay. Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, vận chuyển hàng không nội địa sáu tháng đầu năm 2015 tăng trưởng hơn 26% và VietJet Air đóng góp 70% vào mức tăng trưởng vận chuyển hàng không nội địa. Các sân bay địa phương dần trở nên tấp nập hơn với các chuyến bay nội địa và quốc tế của VietJet Air.

 

Đổi mới mạnh mẽ cũng đã và đang đến với ngành hàng không Việt Nam từ pháp luật, cơ chế, chính sách xã hội hóa, nâng cấp hạ tầng, đổi mới công tác điều hành. Theo Phó Chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thanh Hùng, việc đầu tư cho đội máy bay mới và hiện đại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của hãng tại châu Á - Thái Bình Dương. VietJet Air đã phát triển đội bay 26 chiếc máy bay mới, hiện đại, trở thành hãng hàng không luôn dẫn đầu về công nghệ, sở hữu đội máy bay mới nhất khu vực. VietJet Air đã đón nhận tám chiếc máy bay trong hợp đồng thuê, mua 107 máy bay với Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus mà không có bảo lãnh hay cấp vốn của Chính phủ.

 

Mới đây, tại Triển lãm Hàng không quốc tế Paris Air Show 2015, VietJet Air và Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus đã ký hợp đồng đặt mua thêm sáu chiếc máy bay dòng A321 tổng giá trị công bố là 682 triệu USD. Những chiếc máy bay này dự kiến sẽ được giao hàng vào năm 2017 nhằm phục vụ kế hoạch mở rộng hoạt động của hãng. Cũng tại sự kiện hàng không lớn nhất thế giới này, VietJet Air còn tiến hành ký kết các thỏa thuận quan trọng khác bao gồm: ký hợp đồng tài trợ tín dụng mua máy bay với gói tín dụng 60 triệu USD, thanh toán trước khi giao hàng sáu máy bay dòng A320. Trước đó, BNP Paribas cũng đã tư vấn tài chính cho VietJet Air trong giao dịch mua và thuê máy bay thuộc gói hợp đồng 100 máy bay với Airbus. Những máy bay đầu tiên đã được giao hàng trong năm 2014 và đầu năm 2015.

 

Bên cạnh kinh doanh vận tải hàng không, tập trung phát triển đội máy bay hiện đại và thúc đẩy du lịch, VietJet Air thu hút đầu tư tài chính nước ngoài thông qua các giao dịch máy bay, động cơ và các trang thiết bị kỹ thuật; thu hút đầu tư sản xuất linh kiện máy bay và hàng không vũ trụ vào các khu công nghiệp của Việt Nam; thu hút các hoạt động đầu tư nước ngoài vào các cơ sở bảo dưỡng kỹ thuật máy bay, cơ sở đào tạo tầm vóc quốc tế và khu vực.

 

VietJet Air cũng chú trọng phát triển thị trường, nâng cao vị thế hình ảnh hãng hàng không thế hệ mới năng động hiệu quả. Song song với thỏa thuận tín dụng, hãng đã ký gói bảo hiểm cho đội máy bay với giá trị bảo hiểm 1,5 tỷ USD cho năm 2015-2016 qua thu xếp của những tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới Willis Group Holdings plc và JLT Group. Nhà bảo hiểm gốc được chỉ định là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty Bảo hiểm dầu khí (PVI) và Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC).

 

VietJet Air và Hãng chế tạo máy bay Mỹ Boeing hồi tháng trước cũng đã ký biên bản hợp tác (“Memorandum of Collaboration” - MOC), là tiền đề cho VietJet Air hợp tác, nghiên cứu và xem xét mở rộng đội máy bay của mình với các dòng máy bay hiện đại của Boeing đi kèm với các thiết bị và dịch vụ hỗ trợ liên quan. Ngoài ra, Boeing và VJA cũng sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trên nhiều lĩnh vực khác như kế hoạch phát triển thương mại, đào tạo và quản lý bay, truyền thông, thương hiệu và tài chính.

 

Để tạo tiền đề cho ngân hàng của Hoa Kỳ tư vấn và thu xếp tài chính trong các hợp đồng thuê và mua tàu bay cho các hợp đồng đã ký và các hợp đồng mới trong tương lai của VietJet Air, hãng đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Ngân hàng JPMorgan Chase. Bên cạnh đó, VietJet Air và Tập đoàn Hàng không vũ trụ Honeywell (Honeywell Aerospace - Mỹ) cũng đã ký MOU trong việc lựa chọn Honeywell là nhà cung cấp, quản lý, bảo trì động cơ 131-9A APU và bộ thiết bị điện tử hàng không (avionics suite) cho đội máy bay mới A320/A321 mà VietJet Air sẽ nhận từ nay đến năm 2017 với tổng trị giá 56 triệu USD. Những ký kết quan trọng này là cơ sở cốt yếu để VietJet tự tin bay trong “bầu trời mở”, trở thành tiêu điểm của hàng không khu vực và quốc tế.

 

Hãng hàng không VietJet Air được độc giả của tạp chí điện tử Smart Travel Asia chuyên về du lịch hàng đầu châu Á bình chọn là một trong mười hãng hàng không giá rẻ tốt nhất châu Á (Best Budget Airlines). Cùng nằm trong top này là các hãng hàng không Air Asia, Cebu Pacific, Tiger Airways… Kết quả bình chọn cho thấy VietJet Air đã khẳng định được vị thế của mình qua sự đánh giá của chính những hành khách Việt Nam và quốc tế đối với một hãng hàng không thế hệ mới, hiện đại, giá vé tiết kiệm, dịch vụ chu đáo và thân thiện.

 

Mới đây, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã trao chứng nhận an toàn khai thác IOSA cho VietJet Air, trở thành hãng hàng không thứ hai của Việt Nam, sau Vietnam Airlines và nằm trong số những hãng hàng không trên toàn thế giới được nhận chứng chỉ quan trọng này.