An ninh nguồn nước - Thách thức và cơ hội

07:59, 20/10/2015

Với khoảng 63% trong tổng trữ lượng 830 - 840 tỷ m3 nguồn nước bên ngoài lãnh thổ, an ninh nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào những động thái phát triển trên các con sông quốc tế như sông Hồng và sông Mê Kông.

Mặc dù đã thống nhất xây dựng khá nhiều cơ chế hợp tác song phương, đa phương về phát triển bền vững nguồn nước, thực tế phát triển và xu hướng chiếm hữu tài nguyên đang đặt ra nhiều sức ép cho Việt Nam, một quốc gia ở hạ nguồn vốn có ít lợi thế hơn trong các đàm phán về sử dụng nguồn nước quốc tế. Bên lề hội thảo và triển lãm quốc tế lần thứ IV “An ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động” (VACI 2015), phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xoay quanh vấn đề này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

 

* Phóng viên: Thưa ông, vấn đề an ninh nguồn nước không chỉ của Việt Nam mà còn là của toàn thế giới. Trước thách thức đó, Việt Nam đã và đang có những bước hợp tác với quốc tế như thế nào?

 

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai: Chủ đề an ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động là chủ đề của sáng kiến hợp tác về nước trong năm 2015. Chúng ta đều biết nước là tài nguyên tái tạo nhưng không vô hạn, nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng. Việc khai thác nước để phát triển kinh tế - xã hội cũng là điều thiết yếu. Vấn đề thiếu nước không chỉ xảy ra với Việt Nam mà chúng ta được chứng kiến hàng ngày tình trạng thiếu hụt nước trên toàn lãnh thổ và các quốc gia khác thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy việc đảm bảo an ninh nguồn nước luôn được Chính phủ Việt Nam và các nước trên thế giới rất quan tâm. Việt Nam tổ chức hội thảo chủ đề “An ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động” với khoảng 20 đoàn quốc tế tham dự, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp quản lý nguồn nước, thông qua đó tăng cường thông tin để tìm ra giải pháp tốt nhất sử dụng nước hài hòa, hợp lý không những giữa các đối tượng sử dụng nước mà còn với các quốc gia đang sử dụng chung nguồn nước.

 

* Phóng viên: Hiện nay nhiều thách thức liên quan đến an ninh nguồn nước đang tồn tại. Vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang giải quyết những thách thức như thế nào?

 

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai: Việt Nam vốn có 2/3 nguồn nước xuất phát từ ngoài lãnh thổ, chúng ta phụ thuộc mạnh mẽ vào nguồn nước từ ngoài biên giới. Việc gia tăng sử dụng nước đang xuất hiện ở các quốc gia phía thượng nguồn, rõ rệt nhất ở các quốc gia sông Mê Kông. Do đó, việc đầu tiên Việt Nam cần phải thực hiện chính là tăng cường đối thoại giữa các quốc gia có chung nguồn nước để từ đó, việc sử dụng nước mang lại sự thịnh vượng cho không chỉ một quốc gia mà tất cả các quốc gia trong khu vực chung nguồn nước.

 

Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng việc cùng nhau chia sẻ thông tin, cùng nhau đối thoại là quan trọng nhất. Tiếp đó, chúng ta cần chủ động thay đổi cơ chế quản lý tài nguyên nước, làm sao việc quản lý tài nguyên nước phải mang tính tổng hợp, phối hợp. Đồng thời, tăng trưởng xanh phải gắn liền với sử dụng nước hài hòa và tiết kiệm. Cùng với đó, chúng ta cần tập trung hơn nữa thực hiện quy hoạch tài nguyên nước trên các lưu vực sông của Việt Nam. Và điểm cuối cùng, nguồn nước Việt Nam là hết sức hạn chế nên phải điều tra, đánh giá tài nguyên nước một cách đầy đủ để từ đó có sự kiểm toán tài nguyên nước và sử dụng nước hợp lý.

 

* Phóng viên: Xin ông đánh giá cơ hội để Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong thời gian tới?

 

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai: Tôi cho rằng, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng cơ hội của Việt Nam cũng rất to lớn.

 

Cơ hội đầu tiên chính là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước. Trong các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế, lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi tham dự cũng đều nhấn mạnh đến vấn đề này. Cộng đồng cũng nhận thức rõ vai trò của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo chất lượng cuộc sống. Các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương đều thể hiện mong muốn hợp tác chia sẻ thông tin và sử dụng nguồn nước hiệu quả, hợp lý.

 

* Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!