Sáng 23-10, thảo luận tại tổ về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhiều đại biểu (ĐB) đã đóng góp ý kiến tâm huyết về tình hình Biển Đông hiện nay.
Đánh giá chưa đầy đủ về nguy cơ
ĐB Nguyễn Bắc Son cho rằng, trong nhiệm kỳ tới, chúng ta đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức, trong đó có thách thức bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngay buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội lần thứ 10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: "Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến nguy hiểm khó lường...". ĐB đề nghị Đại hội lần này đánh giá thực tế hơn, khẳng định rõ tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo, trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra ngày càng gay gắt, phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn ở khu vực và đang đặt ra những thách thức mới cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong bảo vệ toàn vẹn, chủ quyền lãnh thổ.
Cũng với nội dung này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) thẳng thắn bày tỏ, Báo cáo Chính trị của BCH TƯ khoá XI đánh giá tình hình thế giới và châu Á Thái Bình Dương chưa đầy đủ về nguy cơ. Tranh chấp lãnh thổ chủ quyền biển đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt phức tạp. Trước tình hình năm 2015, trước những diễn biến mới từ phía Trung Quốc mà đánh giá là “tiếp tục diễn ra gay gắt phức tạp” là chưa hết, chưa đầy đủ, thấp hơn nguy cơ đang diễn ra. Tôi đề nghị bổ sung là… “tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp, xuất hiện những thách thức mới đe dọa chủ quyền của đất nước, tự do và an ninh hàng hải”.
ĐB Nghĩa lý giải việc xuất hiện những sự kiện như Trung Quốc xây đảo nhân tạo là sự báo động hết sức lớn, là một biểu hiện mới của tranh giành chủ quyền.
Không đạt mục tiêu: Trách nhiệm từ đâu? Ai đứng ra nhận?
Thảo luận về các nội dung trong Báo cáo chính trị của Ban chấp hành TƯ khoá XI và Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả kinh tế-xã hội nhiệm kỳ 2011-2015, phương hướng cho nhiệm kỳ 2016-2020, hầu hết các ĐB đều đồng tình cho rằng các văn kiện này đã đánh giá toàn diện, trên mọi lĩnh vực, đồng thời tổng kết đúc, rút được thực tiễn sau 30 năm đổi mới và nhiệm kỳ vừa qua. ĐB Đinh Xuân Thảo cho rằng đánh giá tổng quát nhiệm kỳ 2011-2015 là sự kế tiếp của 30 năm đổi mới, trong lĩnh vực kinh tế có nhiều thành tựu quan trọng, đưa nước ta từ nghèo nàn, lạc hậu thành nước có thu nhập trung bình.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh yêu cầu cần bổ sung thêm ở phần đánh giá yếu kém trong 30 năm đổi mới, nhất là 10 năm gần đây như kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, phục hồi chậm, năng lực cạnh tranh nền kinh tế thấp, phát triển thiếu bền vững, nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, quản lý xã hội chưa nhận thức đầy đủ và giải quyết chưa hiệu quả, tiềm ẩn những nhân tố và nguy cơ mất ổn định...
"Đặc biệt, việc tạo ra nền tảng cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện không đạt mục tiêu đề ra. Tôi cho rằng đây là vấn đề nghiêm trọng của một nhiệm kỳ Đại hội đã không đạt được. Đề nghị cần phải nói thêm nguyên nhân thực trạng này, trách nhiệm từ đâu, ai đứng ra nhận? Bởi nếu không đánh giá nghiêm túc, sâu sắc, nhìn nhận những khuyết điểm, hạn chế thì sẽ khó khắc phục được trong nhiệm kỳ sau" - ĐB Quốc Khánh bày tỏ.
Bàn về các phương hướng, mục tiêu, giải pháp để phát triển kinh tế - đất nước trong nhiệm kỳ tới, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) và ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) đều đồng tình, lần đầu tiên vị trí vai trò kinh tế tư nhân đã được nâng tầm, thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
"Nếu như Nghị quyết Đại hội XI chỉ xác định các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân thì ở nhiệm kỳ mới này đã xác định vai trò kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Đây là điểm hết sức quan trọng, là sự đổi mới, tạo nền tảng để chúng ta phát triển kinh tế theo định hướng thị trường, huy động nguồn lực mạnh mẽ toàn xã hội phát triển kinh tế" - ĐB Nguyễn Quốc Bình phân tích.
ĐB Bùi Thị An đưa ra một vài góp ý cụ thể như nên đổi mới tư duy trong cách xây dựng chỉ tiêu để đi vào thực chất và nên xây dựng chỉ tiêu gốc, ví dụ đưa chỉ tiêu sức khoẻ trẻ em, hạ tỷ lệ thấp còi, suy dinh dưỡng...". Cảm giác giai đoạn vừa rồi, chúng ta cử nhiều đồng chí đi nước ngoài nhưng một số khái niệm lúng túng. Ta phải là không phải Nga, Mỹ... mà phải là Việt Nam, có những đặc thù riêng nên phải nghiên cứu đưa ra được quy luật riêng thì mới phát triển bền vững được" - ĐB An nói.
Về phương hướng phát triển trong giai đoạn tới, theo ĐB An, trong quá trình xây dựng phương hướng phải xuất phát từ nền Hiến pháp năm 2013, đặt trong cảnh hội nhập TPP, sự cạnh tranh bình đẳng liên quan đến sở hữu trí tuệ...
Một số đại biểu khác lại có chung đóng góp về xác định rõ điểm then chốt trong phát triển kinh tế nước ta giai đoạn tới phải chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, từ lượng sang chất, trong đó chú trọng thay đổi phương thức phân bổ nguồn lực; khuyến khích DN đầu tư, ứng dụng KHCN và đào tạo chất lượng nguồn lực. "Và 3 yếu tố này đều phụ thuộc vào đổi mới tư duy, cải cách thể chế vận hành của đất nước. Rõ ràng yêu cầu đổi mới phải ở cấp độ cao hơn và gần như chúng ta buộc phải làm" - ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) khẳng định.