Cục trưởng Trần Đắc Phu: Sốt xuất huyết sẽ giảm khi miền Bắc trở lạnh, miền Nam qua mùa mưa

15:04, 05/10/2015

Hiện nay, tình hình bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp với số lượng mắc cao, có nhiều trường hợp tử vong khiến người dân và cộng đồng đặc biệt quan tâm, lo lắng. Trước tình hình trên, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu đã có cuộc trao đổi về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống lây lan bệnh của ngành y tế.

* Phóng viên: Xin Cục trưởng cho biết về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết hiện nay trên cả nước? Vì sao dịch lại xuất hiện tại nhiều địa phương, thưa ông?

 

* Cục trưởng Trần Đắc Phu: Hiện nay, dịch sốt xuất huyết xảy ra ở 53/63 tỉnh, thành phố nhưng chủ yếu ở các tỉnh phía Nam với số lượng bệnh nhân lớn. Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành, có ở Việt Nam từ năm 1959. Ở miền Bắc, bệnh thường phát triển từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm; ở miền Nam có quanh năm và nhiều nhất là từ tháng 4 đến tháng 11.

 

Bệnh sốt xuất huyết không chỉ có ở Việt Nam mà lưu hành ở khoảng 100 quốc gia trên thế giới. Thống kê những năm gần đây cho thấy, vùng lưu hành của sốt xuất huyết ngày càng mở rộng khi đô thị hóa ngày tăng lên. Ở Việt Nam , năm nay số người mắc sốt xuất huyết có cao hơn năm 2014 nhưng số mắc và tử vong lại thấp hơn rất nhiều so với từ năm 2013 trở về trước. Năm 2014 là năm chu kỳ xuống thấp nhất, trước kia chu kỳ dịch 2 - 3 năm nhưng do Việt Nam làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên chu kỳ dịch đã kéo dài hơn, khoảng 4 - 5 năm một lần. Số ca sốt xuất huyết ở Việt Nam lưu hành 50.000-100.000 trường hợp/năm. Hiện nay, nước ta đã ghi nhận trên 40.000 trường hợp mắc và 25 trường hợp tử vong.

 

Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền, liên quan đến nhiệt độ và nước trong các dụng cụ chứa nước, liên quan đến tập quán trữ nước của người dân ở các địa phương. Từ tháng 4 đến tháng 10, nhiệt độ dao động từ 25-30 độ C, thuận lợi cho muỗi phát triển và cũng là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Ở miền Bắc, khi thời tiết lạnh sẽ hết dịch, còn ở miền Nam qua mùa mưa thì dịch sẽ giảm sau 1, 2 tháng.

 

* Phóng viên: Bộ Y tế đã triển khai những biện pháp như thế nào để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh?

 

* Cục trưởng Trần Đắc Phu: Ngay từ tháng 5/2015, Bộ Y tế đã phát động mạnh mẽ chiến dịch, ban hành các văn bản chỉ đạo phòng chống sốt xuất huyết. Đồng thời, Bộ Y tế đã thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.

 

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường phòng chống dịch bệnh. Để phòng chống bệnh hiệu quả thì việc phát hiện và xử lý ổ dịch rất quan trọng. Khi phát hiện ổ dịch, ngành y tế sẽ tiến hành xử lý, phun hóa chất ngay để diệt toàn bộ đàn muỗi gây bệnh, khống chế, không để dịch lan rộng ra khu vực khác. Việc xử lý ổ dịch đã tiến hành ở tất cả các địa phương. Bộ Y tế không để thiếu hóa chất và các phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch.

 

Hiện nay, không thể khẳng định rằng có thể thanh toán và loại trừ sốt xuất huyết vì bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, đặc biệt là chưa có vắc xin phòng bệnh. Bên cạnh đó, người dân chưa có thói quen loại bỏ phế thải, dụng cụ mà muỗi có thể vào đẻ trứng. Bên cạnh đó, một số nơi trữ nước trong mùa khô và tình hình biến đổi khí hậu… cũng là nguyên nhân khiến bệnh lây lan diện rộng, tăng số bệnh nhân mắc.

 

* Phóng viên: Dấu hiệu nào là đặc trưng nhất để nhận biết bệnh sốt xuất huyết so với các bệnh khác, thưa Cục trưởng?

 

* Cục trưởng Trần Đắc Phu: Hiện nay, ngành y tế đang tăng cường cảnh báo những triệu chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết để người dân nắm bắt được, đặc biệt là khi có dấu hiệu thì đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

 

Sốt xuất huyết bao hàm 2 ý là “sốt” và “xuất huyết”. Sốt ở đây chỉ truyền qua muỗi, khi muỗi mang mầm bệnh đốt người thì người đó bị lây bệnh. Sau khi bị muỗi đốt từ 2-7 ngày, người bệnh mới có triệu chứng (mới phát bệnh), sốt, người đau ê ẩm...

 

Sốt là do bị giảm tiểu cầu, gây ra xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu mũi; với phụ nữ thì kinh nguyệt kéo dài, thậm chí bị xuất huyết dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não; cũng có những trường hợp không xuất huyết mà chỉ bị sốt. Tuy nhiên, nguy hiểm nhất là sốc do sốt xuất huyết và nếu không điều trị, phát hiện kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

 

Việt Nam đã có kinh nghiệm nhiều năm trong phòng chống sốt xuất huyết và điều trị bệnh nhưng nếu người dân không có ý thức đầy đủ thì dịch bệnh sẽ diễn biến nguy hiểm.

 

* Phóng viên: Được biết, việc nghiên cứu vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết đang được tiến hành, vậy Cục trưởng có thể chi sẻ kết quả nghiên cứu này? Cách phòng bệnh tốt nhất, phòng chống bệnh lây lan trong cộng đồng là gì thưa Cục trưởng ?

 

* Cục trưởng Trần Đắc Phu: Sanofi Pasteur của Pháp, một trong những đơn vị sản xuất vắc xin hàng đầu thế giới đã đầu tư rất lớn để nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng sốt xuất huyết. Họ đã nghiên cứu ở Thái Lan và thử nghiệm tại miền Nam nước ta nhưng vẫn chưa thành công.

 

Sản xuất vắc xin chống sốt xuất huyết là vấn đề nóng của thế giới nhưng hiện vẫn chưa được nghiên cứu và thử nghiệm thành công. Việt Nam hiện cũng đã tham gia vào nghiên cứu sản xuất vắc xin này.

 

Bộ Y tế khuyến cáo: Để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, người dân phải đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

 

Người dân phải ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày và tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch. Khi bị sốt kéo dài, xuất huyết... người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời; không được tự ý điều trị tại nhà.../.