Ngày 22/10, UBND tỉnh Hà Nam đã nhận quyền quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam . Đây là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng thành công và được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu vùng - một nhãn hiệu cho phép đăng ký cho nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm đủ tiêu chuẩn chất lượng có nguồn gốc xuất xứ từ tỉnh Hà Nam.
Việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam dùng cho các nhóm sản phẩm: đồ ăn tươi sống, đồ ăn đã qua chế biến, rượu gạo, sản phẩm thủ công nghiệp, mỹ nghệ được sản xuất tại tỉnh Hà Nam đáp ứng được các tiêu chí chứng nhận của cơ quan quản lý nhãn hiệu. Quy trình kỹ thuật sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam là một trình tự có tổ chức các hoạt động với những quy định cụ thể trong sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đăng ký nhãn hiệu chứng nhận. Người sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam là các tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc kinh doanh các sản phẩm được sản xuất tại tỉnh Hà Nam và đáp ứng các tiêu chí cần chứng nhận. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Hà Nam được ủy quyền thực hiện chức năng quản lý, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam cho các tổ chức, cá nhân theo quy định.
Theo ông Bùi Quang Cẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam là công cụ pháp lý vững chắc bảo vệ quyền lợi đối với người sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống nổi tiếng của địa phương; góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình, các tổ chức tập thể, các hiệp hội làng nghề trên địa bàn phát triển. Tỉnh Hà Nam sẽ sớm đưa nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam vào sản xuất, kinh doanh; tuyên truyền, vận động để khuyến khích người sản xuất, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp tham gia sử dụng nhãn hiệu; đồng thời hỗ trợ hình thành và phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm mang nhãn hiệu Hà Nam.
Hà Nam có rất nhiều sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là hàng nông sản, thực phẩm và sản phẩm tiểu thủ công nghiệp gắn liền với các địa danh. Nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường, đem lại lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất, kinh doanh, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo việc tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm có thế mạnh của các địa phương trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 5 sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có 1 chỉ dẫn địa lý, 3 nhãn hiệu tập thể và 1 nhãn hiệu chứng nhận; 5 sản phẩm đang trong quá trình thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ./.