Quy hoạch để báo chí phát triển

10:31, 08/10/2015

Gần đây, dư luận xã hội rất quan tâm đến Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (Đề án Quy hoạch báo chí) của Bộ Thông tin và Truyền thông. Sau khi công bố Quy hoạch, nhiều ý kiến cho rằng khi triển khai sẽ gây xáo trộn trong làng báo, một số cơ quan báo chí bị xóa sổ, nhiều nhà báo, người lao động trong cơ quan báo chí mất việc làm... Vậy, các nhà báo, cơ quan báo chí cần làm gì để phát triển và tồn tại khi thực hiện Quy hoạch?

Hiện nay, cả nước có 845 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in, 646 tạp chí, 1 hãng thông tấn Quốc gia, 98 báo - tạp chí điện tử, 67 đài phát thanh truyền hình; có gần 18 nghìn nhà báo được cấp thẻ nhà báo, và khoảng 5 nghìn phóng viên hoạt động báo chí, nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ.

 

Có thể thấy, báo chí nước ta phát triển rất mạnh mẽ và cũng chính từ sự phát triển này, công chúng đã được tiếp cận với thông tin nhiều hơn, sâu sắc hơn, đa chiều hơn. Tuy nhiên, không ít tờ báo đang mất dần bản sắc vì chạy theo mạng xã hội, thiếu tính nhân văn và trách nhiệm với cộng đồng, nên việc quy hoạch lại hệ thống báo chí là cần thiết. Những cơ quan báo chí nào đang phát triển tốt, có ảnh hưởng lớn trong công chúng thì cần có cơ chế để tạo điều kiện hơn nữa cho báo phát triển. Ngược lại cũng cần mạnh tay gạt bỏ những cơ quan báo chí, những nhà báo chạy theo xu thế giật gân câu khách, chuyên khoét sâu vào những tồn tại hạn chế, quên đi những thành tựu to lớn mà các địa phương, đơn vị đã đạt được; lãng quên trách nhiệm công dân của nhà báo, trách nhiệm xã hội của cơ quan báo chí, phớt lờ những giá trị tốt đẹp của đời sống xã hội…

 

Được biết, Đề án quy hoạch báo chí đã được Bộ Thông tin - Truyền thông chuẩn bị trong nhiều năm và lộ trình thực hiện là trước năm 2017 tiến hành sắp xếp thí điểm tại một số cơ quan, địa bàn để rút kinh nghiệm trước khi triển khai trong cả hệ thống. Đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp. Theo tinh thần Quy hoạch, thì đối với báo in và tạp chí in là sắp xếp hệ thống các cơ quan báo in gắn với các giải pháp đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in, mỗi cơ quan báo in có thể có nhiều ấn phẩm (trong đó có 1 ấn phẩm chính và có thể có một số ấn phẩm phụ). Các cơ quan báo in sau khi được sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, cơ quan cấp bộ, ngành cấp Trương ương (trừ các quân khu, quân chủng), tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, quản lý. Các cơ quan báo chí in được giao quyền tự chủ tài chính. Nhà nước tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo in chủ lực, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số báo và tạp chí phục vụ các nhiệm vụ chính trị được xác định. Đổi mới hình thức, nội dung các ấn phẩm đáp ứng yêu cầu thông tin chung và thông tin chuyên biệt của từng nhóm độc giả, vùng miền…

 

Theo chúng tôi thì việc quy hoạch báo chí là lĩnh vực nhạy cảm, nên thực hiện theo lộ trình thận trọng, vừa thống nhất với cơ quan chủ quản vừa làm thí điểm, rút kinh nghiệm và theo chỉ đạo về cách thức triển khai thực hiện quy hoạch báo chí, cần có sự thống nhất phương án sắp xếp giữa các cơ quan chủ quản báo chí với Bộ Thông tin - Truyền thông, bảo đảm hài hòa, không gây xáo trộn xã hội. Đồng thời, việc quy hoạch chắc chắn sẽ có những thay đổi, cắt giảm số lượng cơ quan báo chí, ảnh hưởng đến việc làm của nhà báo và người lao động trong các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, trước khi băn khoăn “tồn tại hay không tồn tại” sau quy hoạch báo chí, gây hoang mang cho đội ngũ làm báo, các cơ quan báo chí nên tính làm thế nào tồn tại và phát triển đúng hướng, đừng chạy theo xu thế giật gân câu khách mà cần nêu cao bản lĩnh chính trị, giữ vững lương tâm trong sáng của nhà báo, nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng tác phẩm, đổi mới công nghệ làm báo…

 

Trước sự bùng nổ thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của các cơ quan báo chí như hiện nay, thì việc quy hoạch là cần thiết và quy hoạch chính là để báo chí phát triển. Chúng tôi hi vọng các cơ quan báo chí, các nhà báo nên tự thay đổi chính mình một cách sâu sắc, đổi mới báo chí theo hướng chuyên biệt để phát triển trong thời gian tới.