Thúc đẩy chính sách bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020

09:05, 08/10/2015

Theo thông tin từ Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cho biết, ngày 7/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với sự hỗ trợ của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho Phụ nữ tổ chức hội thảo quốc gia thảo luận các biện pháp thúc đẩy chính sách bình đẳng giới tại vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020.

Hội thảo là cơ hội để các đại biểu cùng nhìn lại những thành công, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện chương trình và chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2011-2015; thảo luận các ưu tiên, định hướng các vấn đề bất bình đẳng giới cần quan tâm giải quyết trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020.

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương chia sẻ, với truyền thống văn hóa á Đông, phụ nữ Việt Nam mà nhất là phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chịu nhiều áp lực bởi khuôn mẫu, vai trò giới truyền thống... Đây cũng chính là thách thức lớn trong tiến trình thúc đẩy thực hiện mục tiêu quốc gia bình đẳng giới, cần có thời gian và lộ trình và giải pháp hiệu quả mới có thể dần xóa bỏ được.

 

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của bình đẳng giới tại vùng dân tộc thiểu số, bà Vũ Phương Ly, Chuyên gia cao cấp về chương trình bình đẳng giới của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cho rằng, trong những năm gần đây, việc thực hiện bình đẳng giới tại Việt Nam đã có rất nhiều thành tựu nổi bật. Tuy nhiên phụ nữ nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục, y tế, những dịch vụ an sinh xã hội cơ bản và đặc biệt là công việc được trả lương... Vì thế việc lồng ghép giới vào các chính sách phát triển cho vùng dân tộc thiểu số và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ dân tộc tại các cơ quan ra quyết định cũng như xây dựng các biện pháp toàn diện là một trong số những biện pháp quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.

 

Tại hội thảo các đại biểu và các chuyên gia nghiên cứu trong nước cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cũng như các công cụ để thực hiện lồng ghép giới trong các chính sách, chương trình phát triển tại vùng dân tộc thiểu số. Để giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới cần tính đến mối quan hệ tương tác giữa các giới và điều kiện thực tiễn tại từng địa phương, văn hoá của từng dân tộc.../.