Ngày 2/10, tại Hà Nội, Hội Y tế công cộng Việt Nam tổ chức hội thảo tổng kết chương trình “Vận động thực thi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá – Bài học kinh nghiệm và định hướng”. Các đại biểu đã chia sẻ kết quả nghiên cứu về tình hình thực thi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam, đồng thời thảo luận, đưa ra những định hướng trong hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá giai đoạn tới và cập nhật tình hình phòng chống tác hại thuốc lá chung trên cả nước.
Theo báo cáo của Hội Y tế công cộng Việt Nam, trong giai đoạn 2014 – 2015, Hội đã triển khai 2 hoạt động chính bao gồm chương trình Tăng cường thực thi Luật phòng, chống tác hại thuốc lá tại 2 tỉnh Khánh Hòa, Thái Bình và nghiên cứu về tình hình thực thi Luật phòng, chống tác hại thuốc lá tại 6 tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Tháp và Bạc Liêu. Thời gian tới, Hội Y tế công cộng Việt Nam sẽ tập trung vào 4 nội dung: Hỗ trợ các địa phương triển khai giám sát tình hình thực hiện Luật trong đó có 2 nội dung chính là Xây dựng môi trường không khói thuốc và cấm quảng cáo – khuyến mại và tài trợ các sản phẩm thuốc lá); cung cấp bằng chứng khoa học thông qua việc thực hiện các nghiên cứu/điều tra về tình hình triển khai Luật và các khía cạnh khác trong lĩnh vực phòng chống tác hại thuốc lá. Bên cạnh đó, Hội triển khai các mô hình không khói thuốc dựa vào mạng lưới tỉnh hội y tế công cộng trên cả nước, từ đó đưa ra các mô hình và kinh nghiệm triển khai Luật phòng, chống tác hại thuốc lá một cách có hiệu quả; tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông về lĩnh vực phòng chống tác hại thuốc lá như các mô hình không khói thuốc, tác hại của thuốc lá...
Tại hội thảo, Thạc sỹ Trần Khánh Long, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết: Nghiên cứu tình hình thực thi Luật phòng, chống tác hại thuốc tại 6 tỉnh được triển khai theo 2 vòng. Vòng 1 được thực hiện từ tháng 4-6/2014 và vòng 2 từ tháng 4-6/2015. Các nội dung nghiên cứu bao gồm 3 lĩnh vực: tình hình thực thi quy định cấm hút thuốc nơi công cộng và nơi làm việc; thực thi quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ các sản phẩm thuốc lá; đánh giá tác động của cảnh báo hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá lên việc thúc đẩy ý định và nỗ lực bỏ thuốc của thanh niên Việt Nam. Kết quả vòng 2 cho thấy: vi phạm về quảng cáo chiếm 25,7%; vi phạm trưng bày chiếm 96,7%; vi phạm khuyến mãi chiếm 3,2%; đặc biệt 100% các điểm bán lẻ thuốc lá không có vi phạm về quảng cáo, biển hiệu ngoài trời; không ghi nhận hoạt động tài trợ của các công ty thuốc lá trong thời điểm nghiên cứu...
Bên cạnh đó, chương trình “Tăng cường thực thi Luật phòng chống tác hại thuốc lá tại 2 tỉnh Khánh Hòa và Thái Bình” được triển khai từ năm 2014 đến nay đã đạt được kết quả nhất định. Đặc biệt, chương trình đã đẩy mạnh các hoạt động giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc, nơi công cộng và quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ các sản phẩm thuốc lá trên địa bàn 2 tỉnh.../.