Việt Nam đã tiến rất gần Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về tỷ suất tử vong ở trẻ em

14:08, 20/10/2015

Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong kiểm soát tỷ suất tử vong ở trẻ. Điều này có phần đóng góp tích cực từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng và các chính sách bảo vệ sức khỏe phụ nữ, trẻ em. Nhờ đó, Việt Nam có khả năng cao sẽ hoàn thành Mục tiêu 4 với chỉ số tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi.

* Tỷ suất tử vong ở trẻ giảm đáng kể

 

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em, tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi giảm từ 44 phần nghìn năm 1990 xuống 14,9 phần nghìn năm 2014. Tỷ lệ này giảm 2,5 lần trong giai đoạn 1990-2004. Sau năm 2004, tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi giảm với tốc độ ổn định từ khoảng 1 phần nghìn/năm. Đến năm 2015, tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi chỉ cách Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 0,1 phần nghìn. Vì vậy, Việt Nam có khả năng cao sẽ đạt được Mục tiêu 4 ở chỉ số này.

 

Tuy nhiên, tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi có sự khác biệt đáng kể giữa khu vực thành thị, nông thôn và giữa các vùng. Cụ thể, tỷ suất này ở mức 8,7 phần nghìn tại khu vực thành thị và 17,9 phần nghìn tại khu vực nông thôn vào năm 2014. Nơi có tỷ suất tử vong cao nhất là khu vực Tây Nguyên, trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và khu vực ven biển miền Trung. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi của đồng bào dân tộc thiểu số là 30 phần nghìn trong khi tỷ lệ này ở dân tộc Kinh chỉ vào khoảng 12 phần nghìn.

 

Tỷ suất tử vong ở trẻ sơ sinh là chỉ số quan trọng bởi tử vong của trẻ sơ sinh có liên quan chặt chẽ đến sức khỏe bà mẹ. Tuy nhiên, đến nay hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia của Việt Nam vẫn chưa thu thập số liệu cho chỉ tiêu này. Theo Nhóm các Cơ quan của Liên hợp quốc về Đo lường tỷ suất tử vong trẻ em, tỷ suất tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm nhưng với tốc độ thấp nhất so với các chỉ số khác. Tỷ suất này mới giảm được gần một nửa trong cả giai đoạn (từ 22,8 phần nghìn năm 1990 xuống 12,8 phần nghìn năm 2013).

 

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 1990-2004, tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi giảm một nửa và tiếp tục duy trì tốc độ giảm trung bình khoảng 2 phần nghìn/năm. Tuy nhiên, hiện nay tốc độ giảm trung bình đã chậm lại chỉ còn 0,5 phần nghìn/năm. Năm 2014, tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi ở mức 22,4 phần nghìn, còn cách Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 3,1 phần nghìn. Chỉ số tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi cũng có sự chênh lệch đáng kể giữa khu vực thành thị, nông thôn, giữa dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số và giữa các vùng. Tỷ suất tử vong trẻ em ở nông thôn luôn cao gấp đôi so với khu vực thành thị.

 

Tại khu vực thành thị, tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,1 phần nghìn năm 2014 trong khi con số này là 26,9 phần nghìn tại khu vực nông thôn. Các vùng miền núi khó khăn như Tây Nguyên, trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và khu vực ven biển miền Trung là những nơi có tỷ suất tử vong ở trẻ 5 tuổi cao nhất. Tỷ suất tử vong trẻ em ở các dân tộc thiểu số cao gấp 3 lần so với dân tộc Kinh. Theo Báo cáo về Tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Ủy ban Dân tộc năm 2015, tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi của vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 39 phần nghìn, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ 12 phần nghìn của người Kinh...

 

Qua các số liệu trên cho thấy, Việt Nam đã tiến rất gần Mục tiêu 4 về chỉ số tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi.

 

* Trẻ em vùng khó cần được tiếp tục ưu tiên

 

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác chăm sóc trẻ em còn gặp nhiều khó khăn, nhất là với trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trẻ em vùng khó khăn cần tiếp tục được ưu tiên nhiều hơn nữa trong chăm sóc y tế, có như thế mới rút ngắn được khoảng cách với miền xuôi.

 

Thông tin từ các nghiên cứu y tế cho thấy: Sau một thời gian giảm mạnh, tỷ suất tử vong trẻ em ở nước ta đang giảm chậm trong những năm gần đây. Đáng lo ngại hơn, tỷ suất tử vong ở trẻ sơ sinh hầu như không thay đổi từ năm 2000. Tử vong trẻ em chủ yếu xảy ra ở địa bàn khó khăn như miền núi, vùng sâu vùng xa. Đây là những nơi cần nhiều hơn nữa thời gian, điều kiện để nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế.

 

Đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) cũng cho biết: Trẻ em miền núi có tỷ lệ tử vong cao hơn những vùng khác là do đầu tư ngân sách chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng cao của nhân dân. Đặc biệt, việc tiếp cận và chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh, chăm sóc trẻ sơ sinh còn nhiều hạn chế, tình trạng sinh con không có cán bộ y tế đỡ còn khá phổ biến ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho khoa sản, khoa nhi ở nhiều bệnh viện tuyến huyện còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, điều trị cấp cứu sản phụ và trẻ em, trẻ sơ sinh. Do hạn chế kinh phí, cán bộ làm công tác sản khoa, sơ sinh và nhi khoa không được đào tạo, cập nhật kiến thức thường xuyên, dẫn đến có những hạn chế về kỹ năng, đặc biệt là những kỹ năng cứu sống bà mẹ và trẻ sơ sinh. Đồng thời, hệ thống thông tin báo cáo còn nhiều hạn chế và yếu kém, số liệu thu thập còn thiếu chính xác, chưa phản ánh đúng thực tế về tình hình tử vong mẹ, tử vong trẻ em, đặc biệt không có số liệu về tử vong trẻ sơ sinh, chưa bảo đảm tính kịp thời, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác hoạch định chính sách cũng như xây dựng kế hoạch can thiệp.

 

* Tiếp tục kiện toàn hệ thống chăm sóc sức khỏe cơ sở

 

Đánh giá chung của Bộ Y tế cho thấy: Theo dõi tỷ suất tử vong ở trẻ em là việc làm quan trọng đặc biệt bởi chỉ số này phản ánh chất lượng dịch vụ y tế của một quốc gia trong chăm sóc trẻ em và phụ nữ mang thai. Thêm vào đó, tỷ suất tử vong ở trẻ sơ sinh cũng liên quan chặt chẽ đến sức khỏe bà mẹ. Việt Nam tiến rất gần Mục tiêu 4 với chỉ số tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề tử vong trẻ em tại các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đang là vấn đề khó khăn.

 

Theo đó, Mục tiêu số 4 hướng tới giảm 2/3 số lượng trẻ tử vong trong vòng 24 năm (1990-2014). Như vậy, Việt Nam đã giảm đáng kể tỷ suất tử vong trẻ em, đặc biệt trong 15 năm đầu thực hiện. Có được thành công này là nhờ công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em được thực hiện thông qua mạng lưới cung cấp dịch vụ rộng khắp từ Trung ương đến địa phương. Tại tuyến xã, 99% số xã có trạm y tế, gần 94% số trạm y tế có hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, 66% số trạm y tế có bác sĩ, 84% số thôn, bản có nhân viên y tế thôn bản. Tại những thôn, bản rất khó tiếp cận đến trạm y tế hoặc vùng đồng bào dân tộc còn tồn tại tập tục sinh con tại nhà, ngành y tế đã đào tạo các cô đỡ thôn bản chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Đồng thời, việc mở rộng tiếp cận; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đến tất cả các vùng, miền, các đối tượng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nhóm người yếu thế là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công trong việc giảm tử vong trẻ dưới 5 tuổi và tử vong mẹ.

 

Bên cạnh đó, chương trình quốc gia Tiêm chủng mở rộng đã giúp giảm đáng kể tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi cùng nhiều chính sách hướng tới bảo vệ sức khỏe phụ nữ như: Chiến lược quốc gia về Chăm sóc Sức khỏe sinh sản 2001-2010, Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và Chính sách kế hoạch hóa gia đình được thực hiện từ đầu những năm 1990.

 

Thời gian tới, để đảm bảo tiến độ thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đồng đều giữa các vùng dân cư, đặc biệt là vùng khó khăn, ngành y tế tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em từ tuyến trung ương đến cơ sở; thiết lập và vận hành các phòng chăm sóc trẻ sơ sinh riêng tại các bệnh viện huyện. Đồng thời, ngành y tế tăng cường đào tạo bác sĩ chuyên khoa phụ sản, chuyên khoa nhi, chú trọng hình thức đào tạo bác sĩ chuyên khoa sơ bộ để nhanh chóng bổ sung lực lượng cán bộ chuyên khoa thuộc hai chuyên ngành trên đang rất thiếu, kể cả ở các cơ sở y tế tuyến tỉnh. Bộ Y tế sẽ ban hành quy định về nghĩa vụ xã hội đối với bác sĩ về công tác ở vùng sâu, vùng xa, thực hiện chính sách hỗ trợ đặc thù đối với đội ngũ cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số như nhân viên y tế thôn bản…/.