"Không có chuyện Hải Phòng đầu tư xây dựng khu Trung tâm hành chính - chính trị mới trị giá 10.000 tỷ đồng", đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam tại buổi họp báo về Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới bắc sông Cấm Hải Phòng, chiều 10/11.
Khu Trung tâm hành chính - chính trị thành phố chỉ nằm trong một hợp phần của Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm Hải Phòng. Việc triển khai xây dựng Dự án này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố đã được xác định tại Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 05/8/2003 và Kết luận số 72/KL-TW ngày 10/10/2013 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dự án này đáp ứng đầy đủ tiêu chí văn minh, hiện đại của đô thị loại 1, trung tâm cấp quốc gia.
Căn cứ Nghị quyết 32 và Quy hoạch chung xây dựng thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009, ngày 3/1/2012 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa XIV) đã ban hành Nghị Quyết số 04-NQ/TU về phát triển và quản lý đô thị Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 xác định việc xây dựng Khu đô thị mới Bắc sông Cấm là một trong những bước phát triển đột phá của đô thị thành phố. Ngày 12/12/2012, Hội đồng nhân dân thành phố đã có Nghị quyết số 20/2012/NQ-HĐND về nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách đẩy mạnh phát triển và tăng cường quản lý đô thị theo hướng văn minh hiện đại giai đoạn 2013- 2015 định hướng đến năm 2025, trong đó xác định việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị mới Bắc sông Cấm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong thời gian tới.
Cụ thể hóa các chủ trương trên, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã triển khai lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị Bắc sông Cấm để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo quy định. Theo đó, Khu đô thị Bắc sông Cấm bao gồm 6 khu chức năng với tổng diện tích 1445,51ha: Khu trung tâm hành chính, thương mại; Khu vui chơi giải trí đa chức năng và khu dân cư; Khu nghiên cứu và đào tạo; Làng sinh thái; Khu dân cư và quỹ đất dự trữ và Khu nhà ở thấp tầng.
Để xây dựng Khu đô thị Bắc sông Cấm theo quy hoạch được duyệt; bước đầu, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng mới lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ cho toàn bộ khu vực Bắc sông Cấm với quy mô 1.445,51ha (gồm cầu Hoàng Văn Thụ, hệ thống đê biển, kè sông Cấm và hệ thống hạ tầng kỹ thuật), trong đó chỉ có 1 phần hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch khu vực trung tâm hành chính - chính trị thành phố với diện tích 32ha.
Theo ông Lê Khắc Nam : Việc chuẩn bị dự án được triển khai theo đúng trình tự, quy định của Luật Đầu tư công. Sau khi được các Bộ, ngành thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định, Ủy ban nhân dân thành phố mới triển khai các thủ tục như lập dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng…và triển khai xây dựng theo quy định.
Về nguồn vốn đầu tư và hình thức đầu tư, bước đầu do khó khăn về nguồn vốn, thành phố đề xuất các công trình cầu Hoàng Văn Thụ, hệ thống đê biển và kè sông Cấm theo quy định là các công trình được hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương theo Chương trình mục tiêu Quốc gia và Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị. Các hạng mục còn lại thành phố sẽ thực hiện chủ yếu từ các hình thức đầu tư khác như: PPP, BT, BOT, ngân sách thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác... Theo đó, số tiền 10.000 tỷ đồng bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng của toàn bộ Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm Hải Phòng (trong đó, Hải Phòng đề xuất Trung ương hỗ trợ khoảng 6.800 tỷ đồng, Hải Phòng sẽ bố trí đối ứng khoảng 3.000 tỷ đồng).
Thời gian dự kiến thực hiện dự án từ năm 2016 đến năm 2025; giai đoạn đầu từ năm 2016 đến 2020 tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cho toàn bộ Khu đô thị Bắc sông Cấm. Hiện tại, thành phố Hải Phòng chưa nghiên cứu, chưa lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở trung tâm hành chính - chính trị của thành phố. Sau khi triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật như: cầu Hoàng Văn Thụ, hệ thống đê biển, kè sông Cấm, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và san lấp mặt bằng, trên cơ sở đó thu hút các nhà đầu tư để khai thác quỹ đất tại Khu đô thị Bắc sông Cấm tạo nguồn lực xây dựng trụ sở Trung tâm hành chính - chính trị theo đúng quy định của pháp luật - ông Lê Khắc Nam khẳng định./.