Làm rõ đối tượng áp dụng quy định trần lãi suất

17:00, 22/11/2015

Điều 467 Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) về vấn đề trần lãi suất đang gây ra những ý kiến trái chiều. Giữa việc lựa chọn phương án một là “lãi suất thỏa thuận không quá 20%/năm của khoản tiền vay” và phương án hai là “lãi suất thỏa thuận không quá 200% lãi suất cơ bản theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định", nhiều ý kiến cho rằng luật cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong việc xác định đối tượng áp dụng.  

Dù là phương án một hay hai thì Dự thảo Bộ luật Dân sự trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII lần này, trong đó có vấn đề trần lãi suất, đều nhắm tới mục tiêu rõ ràng là chống cho vay nặng lãi. Lâu nay, vấn đề “tín dụng đen” hoành hành tại các vùng quê gây nên những hậu quả nhức nhối cho toàn xã hội. Do vậy, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình lên hai phương án quy định về mức trần lãi suất đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ từ phía các đại biểu Quốc hội.

 

Theo Đại biểu TP Hà Nội Đinh Xuân Thảo, Việt Nam chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì vậy, vai trò của Nhà nước là điều tiết và bảo đảm cân bằng lợi ích giữa các bên. Để tránh cho vay nặng lãi thì cần phải có trần lãi suất. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy lưu ý, việc xác định một tỷ lệ cụ thể sẽ bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, dễ áp dụng, để các bên tham gia giao dịch dân sự có thể biết ngay hậu quả pháp lý khi xác lập hợp đồng vay. Thông qua đó việc cho vay nặng lãi cũng dễ dàng xác định hơn.

 

Cũng khẳng định quy định trần lãi suất là cần thiết để bảo vệ người dân, nhất là bộ phận người dân nghèo, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, việc đưa ra một phương án “cứng” có thể không hay khi xảy ra lạm phát. Tuy nhiên ở góc độ khác, đưa phương án “cứng” sẽ góp phần ổn định đồng tiền.

 

Mặc dù vậy, phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự liệu có hay không bao gồm các tổ chức tín dụng đang là vấn đề gây nhiều băn khoăn trong dư luận. Hiện, dự thảo luật nêu hai phương án: Một là, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Hai là, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.

 

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nếu như phương án hai đã bao hàm ý loại trừ các tổ chức tín dụng ra khỏi phạm vi điều chỉnh với “cái đuôi” là “trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác” thì với phương án một, luật còn đang quy định rất chung chung, chưa rõ ràng. Hiện nay, hoạt động vay mượn dân sự giữa các cá nhân với nhau - vay mượn thỏa thuận chợ đen hoàn toàn khác với cơ chế cho vay của khối các tổ chức tín dụng - vay mượn thỏa thuận trên cơ sở quy định của các luật chuyên ngành (Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng...). Do vậy, các điều khoản quy định tại Bộ luật Dân sự rất cần minh bạch, rõ ràng trong việc xác định đối tượng điều chỉnh.

 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, cả hai phương án đều cần phải có “cái đuôi”, đó là trừ trường hợp Luật Các tổ chức tín dụng có quy định khác. Tổ chức tín dụng với chức năng nhiệm vụ chính là huy động tiền gửi và cho vay. Với những dự án đã nhìn thấy lợi nhuận, tính khả thi cao thì có thể lãi suất cho vay rất thấp, nhưng với những dự án rủi ro thì lãi suất cần phải cao hơn. “Các tổ chức tín dụng đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thì đã có cơ chế tự kiểm soát lẫn nhau. Do vậy, quy định về trần lãi suất chỉ nên khống chế trong quan hệ dân với dân, còn với tổ chức tín dụng thì không nên khống chế quy định “cứng”", ông Hà Hùng Cường nêu quan điểm.

 

Cùng chung ý kiến này, đại biểu Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ: “Tôi ủng hộ hướng loại các tổ chức tín dụng ra khỏi quy định áp trần lãi suất cố định. Tín dụng đen sẽ bị khống chế ở Bộ luật Dân sự là có quy định “cứng”, còn hoạt động của tổ chức tín dụng thì cần dựa trên nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận theo luật chuyên ngành”. Nguyên tắc Bộ luật Dân sự được xây dựng trên cơ sở tự do ý chí, bình đẳng, tôn trọng cam kết thỏa thuận của các bên. “Quy định trần lãi suất là để bảo vệ người yếu thế, loại bỏ tín dụng đen đang lộng hành. Còn lại mọi thị trường, lãi suất đều cần phải theo quy luật của thị trường. Đó là để cho các tổ chức tín dụng và người vay tự thỏa thuận, không chỉ 20% mà ai có nhu cầu vay nóng 30% cũng có thể chấp nhận”, ông Minh nói.