Mới đây, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc tăng mức lương ở cơ sở. Theo đó, từ ngày 01-5-2016 sẽ thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000đồng/tháng lên 1.210.000đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng. Về lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.
Thời gian gần đây, xu hướng tăng lương tối thiểu cũng đã diễn ra tại nhiều quốc gia trong khu vực. Từ năm 2013, khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia được thành lập, người lao động và người sử dụng lao động đã đến gần với nhau hơn. Trong quá trình thương lượng, tất cả các bên đều thống nhất mức lương tối thiểu cần phải được nâng lên theo thời gian nhằm đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Chính phủ đã đóng vai trò then chốt trong việc điều phối hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Trong nền kinh tế thị trường, tăng cường thương lượng tập thể về tiền lương giữa người sử dụng lao động, người lao động và đại diện của họ tại cấp doanh nghiệp, cấp vùng và cấp ngành có thể tạo ra hàng loạt lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động. Quá trình này giúp thiết lập mức lương linh hoạt cho người lao động phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng ngành và doanh nghiệp. Đồng thời đây cũng là giải pháp có lợi cho cả hai bên và tạo ra sự linh hoạt trong việc đối phó với những cú sốc kinh tế, thúc đẩy năng suất và chia sẻ lợi ích. Vì vậy, sự kết hợp giữa mức lương tối thiểu để bảo vệ người lao động khỏi việc bị trả lương quá thấp và thương lượng tập thể là hết sức quan trọng.
Đất nước ta đang trên đà hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, đã có nhiều dự đoán tích cực về lợi ích kinh tế mà nước ta có thể thu nhận được trên các lĩnh vực. Thách thức hiện nay là làm thế nào để biến những lợi ích này thành thịnh vượng chung và đem lại công bằng xã hội. Khi tiền lương tối thiểu của người lao động đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu thì tốc độ tăng lương sẽ trở nên gắn kết với năng suất. Mối quan hệ này là rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa lợi ích kinh tế thành thịnh vượng chung của toàn xã hội.
Việc xem xét tăng mức tiền lương tối thiểu vừa qua đã dựa trên 3 yếu tố theo quy định của pháp luật lao động, bao gồm: Nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động. Đồng thời, các yếu tố tác động tới việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu hằng năm cũng đã được đưa ra xem xét như: sự phát triển của thị trường lao động, tình trạng, cơ hội về việc làm, trình độ tay nghề, năng suất lao động hiện nay…
Đó thực sự là một tin vui trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, giúp người lao động ổn định cuộc sống, tái tạo sức lao động và tích tụ vốn. Tuy nhiên, tăng lương chưa chắc đã làm tăng giá trị thực của cuộc sống. Nhìn lại lịch sử tiền lương của Việt Nam, trong vòng 10 năm qua chúng ta đã điều chỉnh tăng lương không dưới 10 lần nhưng đời sống của người lao động vẫn ít được cải thiện. Thậm chí, nhiều nơi, đời sống của công nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Điều này chứng minh một thực tế, tại sao ở nhiều doanh nghiệp hiện nay, người lao động cứ phải lao vào làm thêm giờ, bất chấp vượt quá giới hạn luật định bởi nếu không làm thêm giờ thì sẽ không có đủ tiền lo cho cuộc sống tối thiểu nhất.
Việc lương chưa kịp tăng mà giá các mặt hàng, nhất là những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày đã rục rịch tăng theo làm cho người lao động không khỏi lo lắng. Mọi người dân đều mong muốn các ngành chức năng tăng cường biện pháp quản lý giá chặt chẽ hơn, tránh hiện tượng “té nước theo mưa”, để tăng lương thực sự góp phần cải thiện đời sống cho người lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bằng những việc làm chính đáng, mỗi cơ quan, đơn vị hãy tìm cách nâng cao đời sống của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, giúp họ vơi đi phần nào nỗi lo cơm áo gạo tiền hàng ngày; có được chế độ đãi ngộ hợp lý, đủ để họ có thể lo cho cuộc sống gia đình. Từ đó, mỗi người có thể chuyên tâm hơn cho công việc; cán bộ, công chức, người lao động sẽ không chấp nhận đánh đổi công việc của mình, tương lai của mình để lấy những món lợi nhất thời.