Ngay sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương(TTP) được ký kết, trước nhu cầu thông tin của công chúng, các nước tham gia Hiệp định đã thống nhất công bố toàn văn Hiệp định, cho dù thủ tục rà soát pháp lý vẫn chưa hoàn tất. Điều này cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm rất cao của công chúng đến các nội dung của Hiệp định. Việt Nam là Quốc gia tham gia Hiệp định đã tích cực chuẩn bị để công bố toàn văn Hiệp định bằng tiếng Việt trong thời gian tới.
Sau khi công bố, các nước tham gia TTP sẽ khẩn trương hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý. Mỗi nước theo pháp luật của nước mình sẽ dành thời gian tham khảo ý kiến của nhân dân trong khoảng 60 đến 90 ngày, trước khi ký kết chính thức. Thời điểm ký kết chính thức của Hiệp định dự kiến diễn ra vào đầu năm 2016.
Để TTP nhanh chóng được thực thi, các nước tham gia đều có tính thần khẩn trương chuẩn bị theo lộ trình của mình, trong đó việc triển khai để thực hiện các cam kết khi đàm phán tham gia Hiệp định là một trong những vấn để được quan tâm ở mức cao. Theo Bộ Tài chính, các nước tham gia Hiệp định đã cam kết mở cửa rất cao cho Việt Nam. Xét trên mặt bằng chung, khoảng 78- 95% số dòng thuế được xoá bỏ thuế nhập khẩu ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại sẽ được xoá bỏ thuế nhập khẩu trong vòng 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhậy cảm sẽ được xoá bỏ thuế nhập khẩu sau hơn 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan. Nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam như: nông sản, thủy sản, điện tử, đồ gỗ, điện, dệt may, giày dép… sẽ được hưởng mức thuế 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, hoặc sau 3-5 năm.
Về phía Việt Nam, lĩnh vực tài chính là lĩnh vực hết sức quan trọng, Việt Nam cũng đã tích cực chuẩn bị mọi mặt để thực hiện cam kết với các nước thành viên TTP về thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, hải quan, dịch vụ tài chính. Về thuế nhập khẩu, Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho các nước thành viên TTP, trong đó trên 65% dòng thuế sẽ được cắt bỏ thuế nhập khẩu ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và trên 98% dòng thuế sẽ bỏ thuế nhập khẩu sau 10 năm, các mặt hàng còn lại sẽ bỏ thuế nhập khẩu trong lộ trình hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan. Đáng chủ ý các mặt hàng Việt Nam sẽ bỏ thuế nhập khẩu ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực gồm: Động vật sống, thức ăn gia súc, một số sản phẩm sữa, ngũ cốc, gạo, da và sản phẩm da, cao su và sản phẩm cao su, chất dẻo, dược phẩm, thuốc trừ sâu, hoá chất, khoáng sản, một số loại giấy, nguyên liệu dệt may, da giày, vải bông các loại, sản phẩm dệt may, nước hoa, mỹ phẩm, phân bón, máy móc thiết bị, đồ nội thất, gỗ và sản phẩm gỗ, nhạc cụ, sản phẩm sắt thép, linh kiện điện tử …Về xuất khẩu, Việt Nam cam kết xoá bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu theo lộ trình 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Một số mặt hàng quan trọng tiếp tục được áp dụng thuế xuất khẩu. … Cùng với các nước, Việt Nam cũng đang gấp rút chuẩn bị, hoàn tất công tác rà soát kỹ thuật và các thủ tục pháp lý cần thiết để phục vụ cho việt ký kết chính thức Hiệp định theo lộ trình dự kiến.