Ngày 10/11, tại Ninh Thuận, trong khuôn khổ dự án hợp tác kỹ thuật VIE 2010, phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân - Pha 2, Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức hội thảo phát triển thông tin và truyền thông điện hạt nhân nhằm chia sẻ cách tiếp cận, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, học tập kinh nghiệm quốc tế trong phát triển điện hạt nhân.
Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, sự ủng hộ quan trọng nhất tại nơi đặt nhà máy điện hạt nhân đóng vai trò then chốt trong sự thành công của dự án, vì vậy, công tác thông tin và truyền thông đặc biệt quan trọng. Công tác thông tin và truyền thông có vai trò càng quan trọng đối với quốc gia bắt đầu phát triển điện hạt nhân như Việt Nam. Theo IAEA, thông tin và tuyên truyền là 1 trong 19 vấn đề phát triển cơ sơ sở hạ tầng điện hạt nhân và công tác tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục trong thời gian trước khi xây dựng, đang hoạt động và kể cả khi nhà máy dừng hoạt động.
Ông Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận cho biết: là tỉnh đặt dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cả nước, thực hiện Quyết định 370/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận đã tăng cường công tác đi dân, tái định cư, giải phóng mặt bằng; thúc đẩy công tác tuyên truyền, triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, thành lập tiểu ban chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động... đến nay, công tác thông tin, truyền thông điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã đạt được những kết quả bước đầu và tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới.
Tại hội thảo, bà Tiina Tigerstedt, IAEA nhấn mạnh: Trong phát triển điện hạt nhân thì công tác tuyên truyền phải đi trước một bước và phải duy trì thường xuyên, đều đặn, đồng thời đánh giá cao công tác thông tin và tuyên truyền trong phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam thời gian qua. Dự án điện hạt nhân hay hệ thống điện hạt nhân cần phát triển trong thời gian dài, trung bình 100 năm, việc duy trì sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp, do đó cần cung cấp thông tin cho người dân địa phương bởi việc đồng ý và thấu hiểu của cộng đồng khu vực thi công nhà máy rất quan trọng quyết định sự thành công của dự án.
Qua hơn 2 năm thực hiện Đề án 370, Ninh Thuận đã nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, một bộ phận dân cư về vai trò của điện hạt nhân trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế xã hội; sự hiểu biết về an toàn bức xạ, công nghệ và tính chất an toàn của các kiểu lò phản ứng hạt nhan thế hệ mới. Đáng chú ý, đại bộ phận người dân ở Ninh Thuận cũng đã thể hiện sự đồng thuận với Nhà nước trong quá trình triển khai các bước chuẩn bị cho việc khởi cong xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.../.