Việt Nam với việc thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Biển Đông Á

07:40, 12/11/2015

Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5, với chủ đề "Mục tiêu toàn cầu, lợi ích địa phương - Thiết lập Chương trình nghị sự cho phát triển bền vững các Biển Đông Á sau năm 2015" sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 16 - 21/11/2015, do Việt Nam đăng cai tổ chức. Đại hội Biển Đông Á là sự kiện quốc tế quan trọng được tổ chức định kỳ 3 năm/lần luân phiên tại các quốc gia thành viên. Đại hội được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003.

Mục tiêu của Đại hội là tăng cường sự đồng thuận giữa các đối tác về chiến lược, phương pháp giải quyết các mối đe dọa với môi trường và phát triển bền vững của vùng biển Đông Á; xây dựng lòng tin giữa các đối tác thông qua các dự án và chương trình hợp tác; hợp tác và liên kết giữa các đối tác; giảm thiểu chênh lệch về năng lực phát triển, quản lý biển và vùng bờ bền vững trong từng quốc gia và khu vực.

 

Tổ chức Đối tác về quản lý môi trường các biển Đông Á (Partnerships in Environmental Management for the Seas Asia, gọi tắt là PEMSEA) là một cơ chế hợp tác quốc tế, được thành lập năm 1994 dựa trên thỏa thuận giữa các bên liên quan trong vùng biển Đông Á, bao gồm một số quốc gia và địa phương, xã hội dân sự, khu vực tư nhân, một số viện nghiên cứu và giáo dục, các cộng đồng, tổ chức quốc tế, chương trình địa phương, các tổ chức tài chính và các nhà tài trợ. PEMSEA cũng là một cơ chế điều phối trong khu vực để thực hiện Chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á (gọi tắt là SDS - SEA).

 

Việc đăng cai tổ chức Đại hội tại Việt Nam nhằm tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò và đóng góp của Việt Nam đối với hòa bình, hữu nghị, phát triển trong khu vực biển Đông Á nói riêng và trên trường quốc tế nói chung. Đây cũng là dịp để Việt Nam cùng các tổ chức, quốc gia trong khu vực cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, ý tưởng mới nhất trong lĩnh vực quản lý tổng hợp vùng bờ và hỗ trợ việc xây dựng các chiến lược sáng tạo để mở rộng các chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ ở các khu vực khác.

 

Đại hội lần này được xem là nền tảng để đánh giá những bài học kinh nghiệm và tiến bộ đạt được, mở rộng các hoạt động hiệu quả, hướng tới xây dựng một nền kinh tế xanh, xác định mục tiêu và kế hoạch mới cho khu vực Đông Á theo các cam kết toàn cầu về mục tiêu phát triển bền vững.

 

Biển Đông Á là không gian liên thông với nhiều nguồn tài nguyên mang tính chất chia sẻ, vì vậy để bảo vệ tài nguyên, môi trường các biển Đông Á cần sự hợp tác của tất cả các nước trong khu vực. Những năm qua, kinh tế biển đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam. Hiện nay, GDP kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam đạt khoảng trên 50% tổng GDP của cả nước và đang gia tăng. Tăng trưởng nhanh của kinh tế vùng ven biển đóng góp rất lớn vào việc tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, tăng cường phúc lợi, cải thiện điều kiện sống, tạo thêm cơ hội và từng bước bảo đảm công bằng xã hội cho cư dân ven biển Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung.

 

Song cũng như các quốc gia khác, biển Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều nguy cơ như: Môi trường ô nhiễm, các hệ sinh thái biển bị suy thoái, nguồn lợi thủy sản suy giảm, thiên tai biến cố có chiều hướng gia tăng và các tác động xấu của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt. Để ngăn chặn xu thế suy thoái biển Việt Nam và đại dương thế giới, giảm thiểu rủi ro thảm họa và biến đổi khí hậu, từ Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và Phát triển tại Rio de Janeiro năm 1992 cho đến nay, Việt Nam đã tham gia và rất nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế về nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Việt Nam đang từng bước thực hiện phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất biển, hải đảo theo cách tiếp cận hệ sinh thái, cũng như hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo để đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên; đồng thời đạt các mục tiêu phát triển kinh tế biển và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa, khắc phục các tác động xấu của thiên tai và biến đổi khí hậu, bảo vệ, khôi phục đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển Việt Nam; đóng góp vào việc cải thiện môi trường biển, giảm thiểu biến đổi khí hậu.

 

Theo nguyên tắc cơ bản của quản lý tổng hợp theo cách tiếp cận hệ sinh thái, cơ chế dân chủ ở cơ sở cũng đang được phát huy triệt để, nhằm đảm bảo cho cộng đồng và các cá nhân dân cư địa phương hiểu biết, tham gia thực chất và hiệu quả vào quá trình quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển. Với những nỗ lực trên, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, ngăn chặn xu thế suy thoái của rừng ngập mặn, khôi phục đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, bước đầu giảm được xu thế suy thoái các rạng san hô và nhiều hệ sinh thái biển quan trọng khác. Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực đóng góp vào nỗ lực chung của các nước khu vực biển Đông Á để đảm bảo một nền kinh tế biển xanh, tăng trưởng xanh.

 

Trong thời gian vừa qua, bằng cách thể chế hóa và lồng ghép các chương trình quản lý tổng hợp biển, hải đảo vào hệ thống các chính sách, chiến lược đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nước trong khu vực thực hiện tích cực nhất Chiến lược Phát triển bền vững các Biển Đông Á (SDS - SEA).

 

Chính phủ Việt Nam thông qua Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết đạt được mục tiêu phát triển bền vững vùng bờ biển thông qua việc thực hiện quản lý tổng hợp biển và hải đảo, trong đó có quản lý tổng hợp vùng bờ. Quan hệ đối tác với PEMSEA và các bên liên quan khác đã cho phép mở rộng quy mô của quản lý tổng hợp vùng bờ đến các khu ven biển khác của đất nước. Bảy tỉnh, thành phố ven biểm gồm Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Sóc Trăng và Khánh Hòa đã trở thành các khu vực ưu tiên để thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ cho giai đoạn 2011 - 2015 cùng với 3 điểm trình diễn quản lý tổng hợp vùng bờ hiện có của PEMSEA là Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên- Huế. Cam kết về hợp tác và phát triển bền vững đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng của Đại hội Biển Đông Á năm 2015.

 

Chiến lược phát triển bền vững quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 của Việt Nam hướng đến mục đích cân bằng sự tăng trưởng bền vững với tiến bộ và bình đẳng xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường quốc gia và các mục tiêu khác. Định hướng Chiến lược phát triển bền vững (Chương trình nghị sự 21) của Việt Nam được sử dụng như là một khung cho các bộ, ngành và các bên liên quan làm theo trong suốt quá trình thực hiện chương trình. Việt Nam đã dành thời gian và nỗ lực để soạn thảo các kế hoạch quốc gia và sự đảm bảo tối đa các nguồn lực để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh./.