Xuất khẩu hàng hóa có xu hướng tăng chậm

16:15, 09/11/2015

Theo số liệu mới được Bộ Công Thương công bố, tính đến hết tháng 10 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của cả nước đạt 134,6 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa đạt mức tăng 10% như chỉ tiêu đề ra. Điều đáng lo ngại nữa là KNXK đang trong xu hướng tăng chậm lại.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến KNXK của nước ta trong những tháng gần đây chưa đạt mức tăng trưởng như mong đợi là vì sự sụt giảm nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô (do ảnh hưởng tiêu cực từ việc giảm giá liên tục trên thị trường quốc tế). Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp (DN) chưa hồi phục hoàn toàn, còn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Xét về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu thì các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản đang trong xu thế giảm so với cùng kỳ, làm ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu chung. KNXK một số loại khoáng sản cũng giảm do nhu cầu thế giới giảm sút rõ rệt, đồng thời do không có lợi về giá nên nhiều DN đã tiết giảm việc xuất khẩu. Theo Bộ Công Thương, mục tiêu đặt ra trong năm nay của nước ta là đạt tổng KNXK 165 tỷ USD, tăng 10% so với mức thực hiện của năm 2014. Điều đó cho thấy gánh nặng đang dồn vào 2 tháng cuối năm (bình quân mỗi tháng phải đạt KNXK 15,2 tỷ USD) và đây là nhiệm vụ, sức ép rất lớn.

 

Tất nhiên, trong hoạt động xuất khẩu thời gian qua vẫn có một vài điểm tích cực, đáng ghi nhận, đó là KNXK của nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng rất mạnh (đạt hơn 106 tỷ USD, với mức tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước). Thực tế này cho thấy sự trưởng thành nhanh chóng và liên tục của công nghiệp trong nước thông qua đóng góp vào hoạt động xuất khẩu nói chung. Cùng với đó, đến nay nước ta đã có 24 nhóm mặt hàng đạt KNXK từ 1 tỷ USD trở lên (trong đó có tới 12 nhóm đạt trên 2 tỷ USD); những mặt hàng dẫn đầu trong danh mục này gồm điện thoại di động, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê… Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nền kinh tế nước nhà trong bối cảnh toàn cầu hóa. Mặt khác, danh mục các nhóm mặt hàng đạt KNXK từ 1 tỷ USD trở lên cũng sẽ dài thêm nếu các ngành, đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu tận dụng tốt thời cơ, tập trung đầu tư mở rộng sản xuất kết hợp với nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các DN Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để gia tăng KNXK khi nước ta đã và đang chuẩn bị ký kết một số hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu… Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với trước đây. Do đó, giới lãnh đạo DN trong nước cần tập trung tiếp cận thông tin, cập nhật các quy định về thuế, hải quan, chất lượng hàng hóa để vươn lên, đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe trong công tác điều hành xuất khẩu.

 

Được biết trong những tháng cuối năm nay, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo sát tình hình, đôn đốc các DN tăng tốc xuất khẩu để hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra, bên cạnh việc tăng cường phổ biến nội dung các hiệp định FTA và thông tin về thị trường xuất khẩu cho các DN. Các ngành, DN xuất khẩu cũng được khuyến cáo cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, kịp thời phát hiện và phòng chống tranh chấp thương mại với DN nước ngoài… Đây là vấn đề đáng lưu tâm đối với các DN xuất khẩu hàng hóa trong nước, trong đó có các DN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.