Phòng tránh bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ bán dâm

14:31, 15/12/2015

Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống bạo lực đối với người bán dâm (17/12), sáng 15/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Plan International tổ chức hội thảo “Bạo lực giới đối với phụ nữ bán dâm”.

Hội thảo nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu về vấn đề bạo lực giới đối với phụ nữ bán dâm tại Hà Nội; thảo luận các kinh nghiệm và khuyến nghị trong việc ngăn ngừa, ứng phó với vấn đề bạo lực giới đối với nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương này.

 

Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội, hiện phụ nữ bán dâm tại Hà Nội có khoảng 3.000 người, đa phần là các phụ nữ di cư từ các tỉnh khác, cuộc sống gia đình khó khăn, đã chứng kiến bạo hành gia đình, học vấn thấp (đa phần có trình độ học vấn Trung học cơ sở hoặc bỏ học, mù chữ, một số ít học Trung học phổ thông). Độ tuổi trung bình của phụ nữ bán dâm tại Hà Nội đang trẻ hóa (dưới 18 đến 50 tuổi). Đa phần chị em chủ động lựa chọn công việc này vì có rất ít lựa chọn công việc có thu nhập đủ sống; điều kiện sống tạm bợ, không ổn định; là nạn nhân của buôn bán người, bạo hành gia đình, lạm dụng tình dục... Mại dâm ở Hà Nội tập trung ở ba hình thức: bán dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ trá hình; bán dâm trên đường phố và gái gọi. Phụ nữ bán dâm phải chịu mọi hình thức bạo lực về tinh thần; thể chất; tình dục; kinh tế... nhưng không dám trình báo cơ quan chức năng. Phần lớn phụ nữ bám dâm đều giấu công việc thật của mình, không chia sẻ được với gia đình, bạn bè do sự kỳ thị xã hội. Điều này khiến họ dễ bị cô lập với gia đình, bạn bè, xã hội; bị đẩy vào tình trạng tâm lý cô đơn, dễ bị tổn thương. Họ cũng chưa tiếp cận được với các chương trình hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới và các chương trình nâng cao nhận thức về phòng ngừa bạo lực giới. Có rất ít chương trình can thiệp cho nhóm phụ nữ bán dâm về bạo lực giới. Một số hoạt động can thiệp mới chỉ giới hạn ở hình thức dự án, chưa có chính sách hay văn bản pháp luật cụ thể, chương trình, hoạt động tập trung về vấn đề này...

 

Các đại biểu cho rằng các cơ quan chức năng cần thiết lập một cơ chế để phụ nữ bán dâm có thể phản ánh về những vấn đề bạo lực mà học phải đối mặt; thành lập một dịch vụ hỗ trợ toàn diện qua đường dây nóng; nâng cao năng lực cho phụ nữ bán dâm qua các buổi tập huấn về luật pháp, về quyền con người và phòng, chống bạo lực... Các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức phi Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, thu thập bằng chứng, xây dựng tài liệu về tình trạng bạo lực đối với người bán dâm làm cơ sở cho việc vận động chính sách, xây dựng các chương trình can thiệp nhằm bảo vệ quyền của họ. Củng cố các tổ chức dựa vào cộng đồng hiện có, mở rộng thêm các địa bàn khác để tiếp cận người bán dâm và cung cấp các dịch vụ sinh kế.../.