Triệt tận gốc chất cấm trong chăn nuôi

17:00, 05/12/2015

Vấn đề chất cấm trong thức ăn chăn nuôi (TĂCN) gia súc, gia cầm đã thật sự trở nên vô cùng nóng bỏng và nghiêm trọng. Dư luận nhân dân đòi hỏi các cơ quan chức năng không chỉ có những biện pháp “chữa cháy” mà còn phải xây dựng những giải pháp căn cơ để triệt tận gốc vấn nạn tai hại này.

Thảm họa chất cấm

 

Nửa đầu tháng 11-2015, lực lượng chức năng đã phát hiện ba doanh nghiệp sản xuất TĂCN, tại ba tỉnh thuộc khu vực miền bắc: Công ty Trường Phú (Hải Dương), Công ty CP Tập đoàn Minh Tâm (Bắc Ninh) và Công ty SX&PT Hưng Hà (Hưng Yên) lưu trữ trong kho hàng chục kg chất vàng-ô (một chất gây ung thư cao) để sản xuất thức ăn cho lợn, gà… Trước đó, chỉ riêng tại miền bắc, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, bắt giữ và xử phạt nhiều doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ngày 3-2-2015, Công ty TNHH Vimark (Bắc Giang) bị xử phạt 170 triệu đồng vì sử dụng cả chất vàng-ô và Salbutamol để trộn vào TĂCN. Cùng ngày hôm đó, Công ty CP SX&TM Đại An Tín, địa chỉ tại cụm công nghiệp An Đồng, huyện Nam Sách (Hải Dương) đã bị công an môi trường và Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) xử phạt 140 triệu đồng khi đang chuẩn bị phi tang 14 kg Salbutamol nguyên chất, Nhà máy Chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản Thăng Long (Hưng Yên) và mới đây nhất, Nhà máy thức ăn chăn nuôi Thiên Tôn (Hải Dương) cũng bị lực lượng chức năng phát hiện xử lý 11 thùng vàng-ô (trọng lượng 30 kg/thùng), trong đó có tám thùng vẫn còn nguyên với khối lượng 240 kg.

 

Tại khu vực phía nam, ngày 25-11, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ (Công an TP Hồ Chí Minh) phối hợp Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã đồng loạt kiểm tra các điểm sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Tino và Công ty Menon (quận Bình Tân). Hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi chưa được phép lưu hành cùng số lượng lớn nguyên liệu nhập khẩu quá hạn sử dụng đã bị phát hiện, ngăn chặn trước khi được đưa ra thị trường tiêu thụ.

 

Điều đáng nói là không chỉ doanh nghiệp vì lợi nhuận đã nhẫn tâm “bơm” chất độc hại vào thức ăn, hay một số thương lái chủ động đưa chất cấm, dụ dỗ người chăn nuôi sử dụng, mà nhiều trang trại chuyên chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm cũng chủ động dùng chất cấm. Ngoài ra, một nguyên nhân khác cũng khiến cho vấn đề chất cấm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm có điều kiện tác oai tác quái, ví như lực lượng kiểm tra thị trường thú y thì mỏng, các quy định hiện hành còn nhiều bất cập khiến các cơ quan chức năng rất lúng túng, chỉ biết chạy theo để xử lý. Đơn cử: nếu đã là chất cấm thì phải cấm triệt để, không được có một ngưỡng nào dù cho chỉ là một chút dư lượng, thế nhưng trong Thông tư 57/2012/TT-BNNPTNT (Thông tư 57) lại quy định ngưỡng an toàn về dư lượng Salbutamol, khiến cho người chăn nuôi có thể lợi dụng kẽ hở này để đầu độc gia súc, gia cầm, đầu độc người tiêu dùng và làm loạn thị trường thực phẩm.

 

“Nhổ cỏ tận gốc”

 

Chuyện một loạt DN cả nước sử dụng chất cấm trong TĂCN, là những chất gây ung thư bị phát hiện, không chỉ làm rúng động thị trường mà còn làm “nóng” cả nghị trường khi ngay trong phiên họp Quốc hội vừa qua, khá nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc chất vấn vị người đứng đầu ngành nông nghiệp. Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng NN và PTNT Cao Đức Phát cho biết, bộ đã cố gắng hết sức mình để làm tất cả những gì có thể theo quyền hạn và trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu chỉ tuyên truyền và xử phạt thì không đủ sức răn đe. Để có những chế tài nghiêm khắc hơn, đề nghị Quốc hội, trước khi thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi cần xem xét bổ sung Điều 155 và Điều 244 về nội dung chất cấm trong chăn nuôi và buôn bán thực phẩm độc hại, gây thiệt hại đến tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng cho người… Trước đó, Chính phủ cũng đã cho phép Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm cấp quận, huyện, phường, xã; đồng thời khuyến khích việc kết nối giữa sản xuất và nơi bán, công bố cho người tiêu dùng biết.

 

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN và PTNT) Phạm Tiến Dũng cho biết: Để “chữa cháy”, ngày 16-11-2015, Bộ NN và PTNT đã ra Thông tư số 42/2015/TT-BNNPTNT (Thông tư 42) khẩn cấp bổ sung năm loại hóa chất thuộc nhóm vàng-ô vào Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam (Danh mục chất cấm). Theo đó, các chất vàng-ô bị cấm gồm: Vat Yellow 1, có tên gọi khác là flavanthrone, flavanthrene và sandothrene; Vat Yellow 2, có tên gọi khác là Indanthrene; Vat Yellow 3 có tên gọi khác là Mikethrene; Vat Yellow 4, có tên gọi khác là Dibenzochrysenedione và Dibenzpyrenequinone. Ngoài ra còn có chất Auramine hay còn được gọi là cơ bản mầu vàng 2, sử dụng trong công nghiệp dệt nhuộm.

 

Ông Dũng cho biết thêm, Thông tư 42 với mức xử phạt hành vi nêu trên được nâng lên từ 140 đến 200 triệu đồng, gấp hơn ba lần mức xử phạt trước đây, đồng thời tiêu hủy toàn bộ sản phẩm chứa chất cấm và đình chỉ hoạt động từ 1 đến 3 tháng, chắc chắn sẽ có tác dụng hạn chế, răn đe việc mua bán chất cấm (hoặc ngoài danh mục) sử dụng trong TĂCN là rất khó. Bởi, chế tài xử phạt đã “nặng tay” hơn rất nhiều.

 

Tuy nhiên, để “nhổ cỏ tận gốc” cần truy xuất nguồn gốc chất cấm đến cùng. Muốn vậy các cơ quan chức năng cần phối hợp với ngành nông nghiệp để giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu, sử dụng các chất vàng-ô, hay Salbutamol trong sản xuất công nghiệp, trong y tế để ngăn chặn việc đưa hoạt chất độc hại này ra ngoài thị trường. Bên cạnh đó, trong quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi cần triển khai thực hiện chương trình VietGAHP mới trong chăn nuôi, theo hướng phù hợp điều kiện thực tế tại Việt Nam và tiếp cận các quy trình chăn nuôi của các nước trong khu vực và quốc tế. Đồng thời, có giải pháp giúp người tiêu dùng nhận biết và sử dụng các sản phẩm sạch an toàn, qua đó những sản phẩm “bẩn” sẽ không còn đất sống, đồng nghĩa với đó là việc mua bán và sử dụng chất cấm sẽ tự triệt tiêu.

 

Tạm dừng nhập khẩu Salbutamol và Clenbuterol


Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có Văn bản số 21590/QLD-KD gửi Tổng cục Hải quan, trong đó ghi rõ tạm dừng nhập khẩu các nguyên liệu Salbutamol và Clenbuterol cho đến khi có thông báo mới. Đây là các nguyên liệu sản xuất thuốc đang bị sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi để tạo nạc. Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các công ty chỉ được dùng các nguyên liệu Salbutamol và Clenbuterol đã nhập khẩu để sản xuất thuốc tại công ty hoặc bán cho các công ty khác có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc phạm vi sản xuất thuốc hoặc phạm vi bán buôn nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về dược. Các công ty phải thực hiện đầy đủ cung cấp thông tin liên quan đến hai loại nguyên liệu nêu trên khi các cơ quan chức năng yêu cầu.