Cần có tư duy hội nhập

09:00, 04/01/2016

Từ ngày 31-12-2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập. Đây là sự kiện lớn đối với các quốc gia khu vực Đông Nam Á, đồng thời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của nước ta.

Tuy nhiên, theo những khảo sát, đánh giá về phía người dân, người lao động và cộng đồng doanh nghiệp (DN) - đối tượng mà sự kiện AEC chính thức ra đời sẽ có tác động trực tiếp, rõ rệt - lại cho thấy những vấn đề không khỏi gây lo ngại. Ngay tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương diễn ra ngày 29-12-2015, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh: Nhận thức của hầu hết các DN và người lao động về AEC - một trụ cột của Cộng đồng ASEAN - vẫn còn hạn chế… Rõ ràng, việc gia nhập AEC sẽ mang lại nhiều lợi ích, cơ hội, song hành với đó là sự cạnh tranh, thách thức ngày càng gay gắt. Tuy vậy, theo một khảo sát trước đó của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy chỉ có khoảng 10% số DN trong cả nước có sự hiểu biết và có thể tận dụng được cơ hội quan trọng này.

 

Trong một diễn biến khác, kết quả của Dự án nghiên cứu "Nhận thức hội nhập kinh tế quốc tế của DN Việt Nam" dựa trên ý kiến của gần 500 DN (do Trường Doanh nhân PACE công bố ngày 28-12-2015) cũng có mẫu số chung: Rất ít DN Việt Nam quan tâm đến vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể, tỷ lệ DN chưa biết và hầu như không quan tâm đến việc Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là 33,4%, đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là 40,9%; tỷ lệ DN không nắm được những điều khoản cụ thể của các hiệp định này ở mức đáng báo động (lần lượt là 66,3% và 77,8%). Thậm chí, đối với việc AEC chính thức ra đời từ ngày 31-12-2015 thì có đến 56,8% số DN chưa biết hoặc không quan tâm và 85% không nắm được những điều khoản cụ thể của AEC. Còn về góc độ người dân - người lao động, với những khảo sát không chính thức (phỏng vấn của các cơ quan truyền thông) cũng cho kết quả tương tự: Rất nhiều người lắc đầu trả lời không biết khi được hỏi "Bạn biết gì về Cộng đồng ASEAN?", "Cộng đồng ASEAN ra đời khi nào?"...

 

Đâu là nguyên nhân của thực tế rất đáng lo ngại này? Tương đồng với đánh giá của các chuyên gia kinh tế, kết quả các cuộc khảo sát trước đây, ý kiến được đưa ra tại phiên họp của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương (diễn ra mới đây) là: DN chờ thông tin. Điều này cũng đúng ở phía người dân - người lao động.

 

Như chúng ta đã biết, trong những năm gần đây, để đáp ứng yêu cầu hội nhập, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên tục được các cấp, ngành chức năng hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; công tác cải cách hành chính cũng được đẩy mạnh. Từ thực tế có thể thấy, muốn hội nhập một cách chủ động, sâu rộng, tận dụng được những cơ hội, hạn chế bớt khó khăn, người dân (đặc biệt là đối tượng lao động) cũng như cộng đồng DN cần có tư duy hội nhập. Rõ ràng, chúng ta không thể tham gia một cuộc chơi khi không hiểu gì hoặc lơ mơ về luật của cuộc chơi đó. Đó cũng chính là một trong những yêu cầu bắt buộc đặt ra hiện nay.