Mùa xuân nhân đôi niềm tin và hy vọng!

11:00, 01/01/2016

Trước thềm tống cựu nghênh tân, mỗi người, mỗi nhà đều mong đợi và hy vọng có nhiều niềm vui, hạnh phúc hơn trong năm mới. Tâm lý, tâm trạng, cao hơn là tâm thế muốn đất nước mạnh giàu, vì đó là môi trường, là tiền đề để mỗi nhà thêm giàu, mỗi người thêm hạnh phúc. Xuân mới, xuân của đất trời, xuân của lòng người hòa quyện cùng xuân của non sông đất nước.

1. Trước thềm xuân một sự kiện thu hút sự quan tâm của cả nước, của dư luận thế giới, đó là Đại hội XII của Đảng. Quả thực, đây cũng là một thời khắc giao thừa, không phải giao thừa của đất trời, mà giao thừa của trách nhiệm lịch sử của Đảng trước dân, trước nước từ Đại hội XI sang Đại hội XII, giao thừa của lòng người với bao mong đợi và hy vọng về vận nước thịnh hưng ánh lên từ Đại hội. Như thế, sự mong đợi và niềm tin hy vọng của mỗi nhà, mỗi người được nhân đôi.



Ai cũng biết, Đại hội Đảng là dịp nhìn lại một chặng đường 5 năm cầm quyền sao cho thật khách quan, mạnh dạn, thẳng thắn để nhận diện cho đúng, cho trúng những thành tích để tiếp tục nhân lên với tầm cao mới; nhận diện được chính xác những yếu kém, nhất là yếu kém trầm kha để tiếp tục hóa giải. Đây mới là cái cần cho đất nước, nếu những yếu kém không được nhận diện đầy đủ, trung thực để hóa giải thì sẽ đem lại nhiều hệ lụy cho dân, cho nước, vì Đảng ta là Đảng cầm quyền. Thế nên, giờ đây sự chờ mong và hy vọng vào ánh sáng mới của Đại hội đang trở thành sự chờ mong, hy vọng cụ thể của mỗi nhà, mỗi người.



2. Đây là Đại hội sau 30 năm Đảng khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới - một chặng đường một phần ba thế kỷ, cũng đủ thời gian để một đất nước có bước đột phá ngoạn mục. Vài nước xung quanh ta minh chứng nhận định này. Qua nhiều văn kiện của Đảng ta thấy, sự nghiệp đổi mới bằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử và mang tầm vóc thời đại. Quả vậy, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; người dân thuộc nhóm yếu thế được chăm lo về an sinh xã hội, chương trình quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, nay tiến lên giảm nghèo bền vững trong tổng thể đa chiều việc làm, giáo dục, y tế, môi trường và điều kiện sống; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đa phương hóa, đa dạng hóa mối quan hệ quốc tế, là bạn của tất cả các nước vì hòa bình, hợp tác và phát triển; một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; thế và lực của đất nước được khẳng định trong khu vực và trên trường quốc tế. Đó là điều kiện bền vững để phát triển nội lực quốc gia, là sức mạnh hòa bình để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.


Song, đất nước ta chắc chắn còn giành nhiều thành tựu to lớn hơn, nội lực quốc gia phát triển hơn, dân giàu hơn, nước mạnh hơn, đời sống đất nước dân chủ, công bằng, văn minh hơn, lòng dân, vận nước hòa quyện sắt son, hình ảnh và uy tín của Đảng ta sống động trong lòng dân bền vững hơn, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường hơn, đoàn kết trong Đảng sáng và lan tỏa, dẫn dắt đoàn kết dân tộc vững bền hơn, sự tham lam bành trướng của ngoại bang cũng phải dè chừng hơn, nếu không xuất hiện "một bộ phận không nhỏ" trong Đảng mà Nghị quyết hội nghị Trung ương 4, khóa XI đã chỉ rõ.



Nhiệm kỳ qua, toàn hệ thống chính trị triển khai thực hiện tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí nhằm xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Song, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí có mặt còn chậm. Việc thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí tại nhiều cấp, ngành chưa hiệu quả. Một số vụ án xử lý chậm. Công tác kiểm tra, thanh tra hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Công tác giám định tư pháp còn bất cập. Lãng phí thời gian và nguồn lực trong xã hội còn lớn. Trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn còn nhiều… Dư luận cho rằng, có một số cán bộ lãnh đạo, quản lý câu kết với một số lãnh đạo doanh nghiệp tạo ra "sân sau" để trục lợi, tham nhũng. Điều này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận diện, nếu thế, đây là một dạng tham nhũng đặc biệt. (Tạp chí Cộng sản điện tử 23-9-2013). Cái đặc biệt là sức tàn phá của trục "sân sau - sân trước" lâu dài, tinh vi, khó phát hiện, làm hao mòn dần sức sống của đất nước về vật chất và tinh thần.



Thực tiễn lịch sử và các vị lãnh đạo Đảng đều khẳng định, sức mạnh của Đảng là dựa trên mối liên hệ máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin yêu và ủng hộ, cũng như sức mạnh của nhân dân là bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng. Hai mặt này quan hệ qua lại, tương hỗ và tương sinh khi mối liên hệ được vận động một cách tích cực và tương khắc khi mối liên hệ lại vận động theo hướng tiêu cực. Trong mối liên hệ này, vai trò của Đảng mang tính hạt nhân, dẫn dắt. Đây là vấn đề Đảng ta luôn chăm lo trong suốt 85 năm qua trong nhận thức, nhưng trong suốt 30 năm đổi mới và cho đến hôm nay, trước thềm Đại hội XII, Đảng ta vẫn đang trăn trở vấn đề gắn bó mật thiết với dân trên thực tế, mà quan trọng là gắn bó bằng trong sạch, vững mạnh, bằng bổn phận phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân.



3. Năm mới đến, không chỉ đảng viên, mà dân lành cũng rất quan tâm tới sự kiện chính trị quan trọng sẽ diễn ra trong những ngày cuối tháng 1-2016, lại cũng là dịp chuẩn bị "tống cựu" Ất Mùi, "nghênh tân" Bính Thân, đó là sự kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Một nhiệm kỳ mới để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.



Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc từ gần 70 năm trước: "Cán bộ là cái gốc của công việc". Thấm nhuần tinh thần ấy, Đảng nhiều lần nhấn mạnh, con người là nhân tố quyết định thắng lợi của mọi công việc. Nhân dân cũng nhận thức được giá trị ấy nên vừa qua và cho đến Đại hội vẫn quan tâm nhân sự Ban chấp hành khóa mới, nhất là các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Trong xã hội, dường như toàn dân làm nhân sự Đại hội. Sự bàn tán, trao đổi, đánh giá nhân sự kèm theo mong ước của dư luận cho thấy nhân dân không đứng ngoài cuộc, lòng dân rất gắn bó với Đảng.


Đảng có tiêu chí lựa chọn cụ thể, nhưng dân băn khoăn tổ chức Đảng làm thế nào để thẩm định được ai là người trung thực với tôn chỉ, mục đích của Đảng, ai thật lòng lo cho dân cho nước, vì "một bộ phận không nhỏ" chưa biết đang ở đâu trong hàng ngũ Đảng. Để có đội ngũ "công bộc" tử tế lãnh đạo đất nước, trước hết dân mong, bổn phận và trách nhiệm đại biểu Đại hội phải thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và tầm văn hóa cao ngang tầm văn hóa dân tộc để bỏ phiếu cho những "công bộc" xứng đáng, nhất là những "công bộc" đứng đầu Đảng và Nhà nước.



Chỉ có làm được như vậy mới thượng tôn Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và Hiến pháp nước nhà. Cũng chỉ có thế, dân mới có được những con người thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là người lãnh đạo xã hội, lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo nhân dân, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và toàn dân tộc.



Toàn Đảng, toàn dân hy vọng ngay trong Đại hội XII, Đảng phải tự chỉnh đốn, xây dựng cho mình đội ngũ lãnh đạo ngày càng thể hiện được sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đáp ứng sự chờ mong và hy vọng của toàn dân: Xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Một mùa xuân với niềm tin và hy vọng được nhân đôi của nhân dân trên đất nước đang đến gần.