Bảo tồn và khai thác phát triển nguồn gen ở Việt Nam

14:52, 24/02/2016

Tài nguyên di truyền là tài sản riêng của mỗi quốc gia đồng thời cũng là tài sản chung của thế giới. Tài nguyên di truyền sinh vật là một bộ phận của giống, là vật liệu ban đầu để lai tạo giống mới và là hạt nhân của đa dạng sinh học nên giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển nông nghiệp của mỗi quốc gia.

Với nhận thức đó, Việt Nam đã sớm xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho việc quản lý bảo tồn nguồn gen. Từ năm 1987 đến nay, mặc dù còn nhiều hạn chế, khoa học và công nghệ đã đóng góp đáng kể trong việc lưu giữ, bảo tồn và khai thác phát triển nguồn gen, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong giai đoạn tiếp theo, với mục tiêu và các nội dung đã đề ra của Chương trình quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen, khoa học công nghệ sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt và là động lực để thúc đẩy bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen sinh vật, nguồn tài nguyên vô giá của đất nước.

 

Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học cao của thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gen phong phú, đặc hữu. Đến nay Việt Nam đã xác định được khoảng 49.200 loài sinh vật, bao gồm 7.500 loài/chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 2.000 loài động vật không xương sống và cá ở nước ngọt; có trên 11.000 loài sinh vật biển. Do đó, Việt Nam là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới, được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về sự đa dạng tài nguyên sinh vật/tài nguyên di truyền, là nơi có nguồn gen cây trồng và vật nuôi địa phương đa dạng của thế giới.

 

Tuy vậy, sự đa dạng tài nguyên thực vật nói trên đang bị đe dọa nghiêm trọng do hậu quả của chiến tranh, của việc khai thác bừa bãi và thiếu ý thức, do thiên tai, do thói quen canh tác lạc hậu, do sự gia tăng dân số kèm theo quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại khắp các vùng trong cả nước, đặc biệt là sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng mà Việt Nam là 1 trong số 5 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Bên cạnh đó, bối cảnh toàn cầu cũng đặt ra những thách thức và những cơ hội mới. Mức độ biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn và ngày càng tác động tiêu cực đến tài nguyên di truyền.

 

Mặt khác, cộng đồng quốc tế cũng hơn bao giờ hết quan tâm chủ quyền quốc gia và trao đổi nguồn gen quốc tế. Vì thế vấn đề quản lý bảo tồn và khai thác sử dụng bền vững nguồn gen càng trở nên cấp thiết hơn. Chính vì những lý do nên tại Quyết định số 1250/2013 ngày 31/7/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Chương trình quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen.

 

Nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên di truyền, trong vòng 10 năm qua Nhà nước đã ban hành khung pháp lý tương đối đầy đủ liên quan đến bảo tồn và khai thác sử dụng nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật . Nhiều bộ luật quan trọng trong lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên đã ra đời và được hoàn thiện, như Luật Thủy sản; Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Tài nguyên nước. Đặc biệt, Luật Đa dạng sinh học 2008 đã tạo cơ sở pháp lý để các cộng đồng địa phương tham gia bảo tồn tài nguyên di truyền , thông qua các cơ chế mới về đồng quản lý và chia sẻ lợi ích.

 

Trước năm 2010, nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen chỉ tập trung vào việc bảo tồn, lưu giữ và sử dụng nguồn gen như là nguồn vật liệu cho công tác giống, chưa chú trọng đến việc khai thác hiệu quả kinh tế trực tiếp từ nguồn gen. Từ năm 2010, Theo Thông tư 18/2010 ngày 24/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, quy định việc quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen (sau đó được sửa đổi bởi Thông tư 18/2014), nội dung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về Quỹ gen được thực hiện với 2 cấp quản lý: Cấp Nhà nước và cấp Bộ, tỉnh; bao gồm bảo tồn nguồn gen; khai thác và phát triển nguồn gen; đánh giá di truyền nguồn gen.

 

Như vậy, sau năm 2010 ngoài những nhiệm vụ bảo tồn thì các nhiệm vụ về khai thác và phát triển nguồn gen, về ứng dụng công nghệ sinh học trong đánh giá di truyền nguồn gen đã được triển khai, làm cho các hoạt động quỹ gen ngày càng đóng góp thiết thực cho các hoạt động nghiên cứu triển khai trong các lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật quan trọng của đất nước. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã xây dựng xong và trình Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen với mục tiêu ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn gen sinh vật để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng - an ninh.

 

Đặc biệt là các đối tượng nguồn gen bản địa, quý, hiếm, đặc hữu có giá trị kinh tế và giá trị khoa học cao; hình thành được mạng lưới nguồn gen quốc gia với các tổ chức đầu mối chuyên ngành (thực vật, động vật, thủy sản, dược liệu và vi sinh vật) đủ mạnh, có sự phân công trách nhiệm và liên kết chặt chẽ; tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực cho các tổ chức trong Mạng lưới quỹ gen và tạo lập được cơ sở dữ liệu nguồn gen quốc gia phục vụ công tác bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen.

 

Nội dung chính của Chương trình là nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen sinh vật; xây dựng tiềm lực cho các tổ chức khoa học và công nghệ trong Mạng lưới quỹ gen quốc gia; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quỹ gen quốc gia. Theo đó, công tác điều tra, thu thập và nhập nội nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật đã và đang được các cơ quan trong hệ thống bảo tồn quỹ gen quốc gia tiến hành trong cả nước.

 

Tính đến năm 2013 có trên 30 hoạt động hỗ trợ việc quản lý và phát triển nguồn gen cây trồng nông nghiệp tại cộng đồng được triển khai, bởi 20 cơ quan với sự tham gia của khoảng 16.000 lượt cán bộ địa phương và nông dân. Với cây lâm nghiệp, hệ thống Khu bảo tồn trên cạn có 164 khu rừng đặc dụng với diện tích xấp xỉ 2,2 triệu ha (chiếm 7% diện tích tự nhiên cả nước), gồm 30 Vườn quốc gia, 58 khu dự trữ thiên nhiên, 11 Khu bảo tồn loài, 45 khu bảo vệ cảnh quan và 20 khu rừng thực nghiệm nghiên cứu khoa học. Trong hệ thống khu bảo tồn, nhiều nguồn gen cây trồng rừng đã được lưu giữ, đánh giá tại chỗ để chọn các cây trội, nhân phục vụ công tác trồng rừng. Với cây thuốc, bảo tồn tại chỗ chủ yếu là tổ chức bảo tồn cây thuốc quý theo kinh nghiệm của các dân tộc (bảo tồn tri thức bản địa).

 

Trong giai đoạn 1998-2009 đã phối hợp để triển khai bảo tồn nguyên vị 120 loài tại 3 vườn Quốc gia (Tam Đảo, Bến Én, Cát Tiên). Việc bảo tồn lưu giữ các giống tại cộng đồng bắt đầu từ năm 1991 với 2 con giống, tới nay có 83 con giống của 35 giống vật nuôi. Bên cạnh đó đã bảo tồn, lưu giữ được 69 đối tượng, trong đó gia súc (trâu, bò, ngựa, dê, cừu, thỏ) gồm 11 đối tượng, lợn 12 đối tượng, gia thủy cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) 46 đối tượng. Bảo tồn lưu giữ tại chỗ nguồn gen thuỷ sản chủ yếu dựa vào hệ thống vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Ba khu bảo tồn biển: Hòn Mun - Vịnh Nha Trang (2001), Cù Lao Chàm (2003) và Khu bảo tồn biển Phú Quốc (2007) đã được thành lập. Bước đầu xây dựng được hệ thống bảo tồn tại chỗ gồm 30 vườn quốc gia, 60 khu bảo tồn thiên nhiên, 38 khu bảo vệ cảnh quan với tổng diện tích hơn 2,4 triệu ha, đã bao phủ được khoảng 90% số loài có trong sách đỏ Việt Nam.

 

Tính đến năm 2013, tổng số 28.028 nguồn gen cây trồng nông nghiệp đang được lưu giữ bảo quản chuyển chỗ tại 23 đơn vị thuộc hệ thống. Các hình thức lưu giữ bảo quản chính là ngân hàng gen đồng ruộng, ngân hàng gen hạt và ngân hàng gen in vitro. Ngân hàng gen hạt giống đã bảo tồn được 1.000 giống của 35 loài cây có hạt, khu lưu trữ giống: 850 giống của 20 loài cây và ngân hàng gen in vitro: bảo quản 200 giống cây rừng. Bảo tồn hạt giống dược liệu gồm 174 mẫu hạt giống của 143 loài với 62 loài đã được đánh giá thời gian bảo quản an toàn trong kho lạnh ngắn hạn. Một số nguồn gen đặc biệt quý, khó có khả năng tái sinh tự nhiên đã được nghiên cứu bảo tồn in vitro trong phòng thí nghiệm.

 

Trung tâm Thử nghiệm và Bảo tồn vật nuôi thuộc Viện Chăn nuôi quốc gia hiện đang bảo tồn chuyển chỗ 15 giống gà và 3 giống lợn và bò H’Mông. Bảo tồn tinh phôi của nguồn vật liệu di truyền có nguy cơ bị mất và hiếm cũng được áp dụng. Về nguồn gen thủy sản đã khảo điều tra thu mẫu lưu giữ 12 loài. Cho đến nay đã bảo tồn an toàn và lưu giữ được 87 giống thuộc 75 loài thủy sản nước ngọt, 12 nguồn gen cá biển, 2 nguồn gen giáp xác và 4 nguồn gen nhuyễn thể … Một số nguồn gen tảo và vi tảo làm thức ăn cho thuỷ sản cũng được bảo tồn. Công tác bảo tồn bằng phương pháp bảo quản lạnh tinh cũng đã được nghiên cứu và ứng dụng cho một số loài thuỷ sản quan trọng như tôm Sú, cá Tra, cá Basa, cá Chép, cá Trắm cỏ, cá Trôi, cá Mè vinh, cá Song, cá Giò.

 

Tổng số có khoảng 22.000 chủng vi sinh vật thuộc 8 đối tượng nguồn gen vi sinh vật đang được lưu giữ bảo quản tại 8 viện, trường. Bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật Quốc gia thuộc Đại học Quốc Gia Hà Nội đang bảo quản đa dạng nguồn gen vi sinh vật có mức độ an toàn cao (mức I) với số lượng trên 9.670 nguồn gen. Trong số 2.500 chủng được tư liệu hóa theo chuẩn quốc tế, 2082 chủng đã được đưa vào danh sách các chủng vi sinh vật trong danh mục 270.000 nguồn gen vi sinh vật của Cơ sở dữ liệu các nguồn gen vi sinh vật toàn cầu. Xây dựng được hệ thống bảo tồn chuyển chỗ, lập danh mục và lưu giữ 730 loài cây thuốc cần bảo tồn theo 4 cấp độ; đánh giá khả năng lưu giữ trong kho lạnh của 150 loài cây thuốc. Đã nghiên cứu, phục tráng, bình tuyển và mở rộng sản xuất thành công một số giống lúa, đậu tương, rau, một số giống khoai lang ăn củ và khoai lang ăn lá làm rau, hoa, cây cảnh.

 

Việc sử dụng nguồn gen đã được tư liệu hóa phục vụ chọn tạo giống mới ngày càng được tăng cường. Từ năm 2010 đến năm 2013 đã triển khai 18 nhiệm vụ khai thác và phát triển 61 nguồn gen cây trồng nông nghiệp. Đối với nguồn gen cây lâm nghiệp, Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy đã chọn được một số loài bạch đàn, keo sinh trư­ởng nhanh. Với nguồn gen cây thuốc, đã triển khai một số dự án khai thác nguồn gen phát triển sản xuất giống và sản xuất dược liệu hàng hóa cung ứng nguyên liệu cho sản xuất thuốc. Với nguồn gen vật nuôi, nhiều nguồn gen đặc sản đã và đạng được khai thác và phát triển (chọn lọc xây dựng đàn hạt nhân, xây dựng quy trình kỹ thuật chăn thả, xây dựng mô hình chăn nuôi thương phẩm) có hiệu quả ở nhiều địa hương trên toàn quốc toàn quốc như lợn, gà, vịt, bò bản địa.

 

Sử dụng nguồn gen thuỷ sản trong việc lai tạo, chọn giống đã thực hiện thành công đối với các nguồn gen cá chép, rô phi , cá tra và một số loài khác, tạo ra các giống lai, giống chọn lọc cho năng suất cao, chất lượng tốt (Chép V1 năng suất tăng 33% so với quần đàn ban đầu). Đối với cá Rô phi, đã tạo ra dòng cá Rô phi NOVIT4 có tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng thích nghi cao đang phổ biến trong cả nước; cá tra có chất lượng cao, tỉ lệ phi-lê cao phục vụ nuôi xuất khẩu. Trước đây mỗi năm chỉ khoảng 50-100 nguồn gen được sử dụng cho việc tạo giống mới. Hiện các đơn vị bảo tồn nguồn gen của các Bộ, ngành đã cung cấp cho các công tác nghiên cứu ở các tổ chức khoa học và công nghệ lên đến hàng nghìn nguồn gen./.