Con đường đi về phía Mùa Xuân

09:48, 09/02/2016

Giữa tháng 1 vừa qua, cầu Hòa Trung và tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ Năm Căn đến Đất Mũi (Cà Mau) được thông xe, con đường mang tên Bác đã liền mạch từ Pác Bó (Cao Bằng) đến miền đất cuối cùng của Tổ quốc.

Cùng với quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh được coi là “động mạch chủ” thứ hai của đất nước, có tác động mạnh mẽ và sức lan tỏa trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các miền quê của Tổ quốc. Đường lớn đã mở, chắp cánh cho ước vọng hoàn chỉnh hệ thống giao thông đường bộ nối hai miền nam - bắc, đưa đất nước đi về phía Mùa Xuân.

 

“Gạch nối” nơi cuối đất

 

Xuân này, đối với bà con vùng Đất Mũi, đúng là “Xuân nào vui hơn”. Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án (PMU) đường Hồ Chí Minh Lâm Văn Hoàng cho biết, dự án cầu Hòa Trung dài 1.286 m bắc qua sông Gành Hào, tổng mức đầu tư hơn 380 tỷ đồng, nối liền TP Cà Mau với huyện Đầm Dơi. PMU đường Hồ Chí Minh được giao tiếp nhận thực hiện của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Cà Mau từ tháng 2-2015. Sau hơn sáu tháng triển khai thi công, cây cầu đã hoàn thành, là dự án có thời gian lập và thi công ngắn nhất mà PMU đường Hồ Chí Minh thực hiện và do các nhà thầu tự ứng vốn để xây dựng.

 

So với nhiều công trình giao thông có tầm vóc hoành tráng được ngành GTVT thực hiện gần đây, công trình cầu Hòa Trung tuy quy mô nhỏ hơn nhiều, tổng mức đầu tư không lớn, song lại có ý nghĩa hết sức quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đối với người dân nơi địa đầu Tổ quốc xa xôi cách trở này.

 

Đường Hồ Chí Minh từ Năm Căn về Đất Mũi là đoạn cuối cùng của “con đường thiên lý” từ Pác Bó đến mũi Cà Mau, được khởi công tháng 5-2009, tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, chiều dài toàn tuyến gần 59 km, đi qua hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, dừng lại đúng khu công viên văn hóa - du lịch Đất Mũi. Con đường sẽ gợi mở cho người dân Việt khắp nơi tìm về thăm miền đất tận cùng của đất nước. Không chỉ vậy, nó còn giúp chuyên chở những sản vật rừng, biển nơi đây đi xa hơn, có giá trị hơn.

 

Nhận thức được điều này, PMU đường Hồ Chí Minh và các đơn vị tham gia xây dựng dự án đã nỗ lực hết mình, vượt qua nhiều khó khăn để sớm đưa dự án về đích, bảo đảm tiến độ, chất lượng và an toàn. Hai công trình này hoàn thành đã tạo nên trục giao thông huyết mạch, trở thành “gạch nối” nơi cuối đất, xuyên suốt không chỉ ở Cà Mau mà còn với các tỉnh miền tây Nam Bộ, xóa thế “ốc đảo” biệt lập bao đời của hai huyện nơi đây.

 

Khỏi phải nói bà con huyện Ngọc Hiển náo nức đón chờ ngày thông xe đến thế nào. Từ nhiều tháng trước, khi con đường đang thành hình, những nông dân miệt vườn sông nước cả đời quen với xuồng ghe, kênh rạch, đã khăn gói lên tỉnh tậu xe máy, tập làm quen với chiếc “hon-đa”.

 

Dải lụa mềm vắt qua Tây Nguyên

 

Tết này là cái Tết thứ hai mà đồng bào các dân tộc Gia-rai, Ê-đê, Ba-na trên vùng đất đỏ Tây Nguyên được đi trên quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên) thảm nhựa êm ru, mềm mại như dải lụa uốn theo những cánh rừng cao-su, cà-phê xanh bạt ngàn. Hơn một năm trước, người dân các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đác Lắc, Đác Nông, Bình Phước từng trần ai cực khổ khi phải chịu cảnh sống chung với bụi bặm, lầy lội, ổ gà, ổ voi của quốc lộ 14 trong nhiều năm liền.

 

Có đi lại thường xuyên trên quốc lộ 14, mới phần nào hiểu được nỗi mong chờ từng ngày con đường hoàn thành của đồng bào Tây Nguyên. Tôi còn nhớ nụ cười rất rộng của anh Kso Muối, ở xã Đác Man, huyện Đác Min (Đác Nông) hồi trước Tết năm ngoái, khi anh kể sau một năm đi làm ăn ở TP Hồ Chí Minh, lúc đi Tây Nguyên vào mùa mưa, đường lầy thụt, ngày Tết về quê nhìn đường đẹp quá, không tin vào con mắt của mình nữa.

 

Các dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 14 gặp nhiều khó khăn ngay từ khi triển khai, từ giải phóng mặt bằng, vật liệu, đến năng lực nhiều nhà đầu tư, nhà thầu yếu kém, đặc thù thời tiết mỗi năm chỉ thi công được sáu tháng mùa khô,... PMU đường Hồ Chí Minh đã giải quyết “nút thắt” về vật liệu phục vụ thi công, vào mùa mưa tập kết vật liệu về tận công trường để mùa khô thi công dứt điểm.

 

Trên quốc lộ 14, “con đường đau khổ” xưa kia, các dự án BOT mở rộng được triển khai đồng loạt, thi công “vượt nắng, thắng mưa”, đã góp phần làm thay đổi cả bộ mặt vùng Tây Nguyên rộng lớn. Ngồi trên ô-tô lướt êm ru trên con đường uốn lượn đẹp như mơ xuyên qua ngút ngàn núi rừng cao nguyên, khuôn mặt Tổng Giám đốc PMU đường Hồ Chí Minh Lâm Văn Hoàng giãn ra thành nụ cười nhẹ nhõm và chia sẻ: Trong quá trình thi công, chúng tôi đã áp dụng phương châm “hoa thơm lấn cỏ dại”, kiên quyết điều chuyển khối lượng của nhà thầu yếu kém, thực hiện biện pháp quản lý thi công phù hợp đặc thù thời tiết khu vực Tây Nguyên, chủ động nguồn vật liệu. Nhờ đó, hơn 500 km từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) đã hoàn thành vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng”.

 

Tuy nhiên, kể cả yêu cầu tiến độ gấp gáp, PMU đường Hồ Chí Minh cũng kiên quyết không hy sinh chất lượng để đổi tiến độ. Trên công trường, các nhà thầu đã có những ngày Tết không nghỉ, "chạy đua" với thời gian, đưa tuyến đường huyết mạch qua Tây Nguyên thông suốt, vượt trước tiến độ Quốc hội đề ra một năm, đáp ứng niềm mong mỏi bấy lâu của người dân.Nhiều tài xế đường dài cho hay, từ Buôn Ma Thuột về TP Hồ Chí Minh, các phương tiện chỉ mất khoảng bảy giờ, rút ngắn khoảng 3-4 giờ so với trước đây.

 

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường đánh giá, PMU đường Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã tỏ rõ là đơn vị có tính chuyên nghiệp, “ứng cứu” thành công nhiều dự án trọng điểm, như dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1 tại Bình Định, Phú Yên. Các dự án do PMU đường Hồ Chí Minh thực hiện đều hoàn thành đúng và vượt tiến độ được giao, ít để xảy ra sai sót, khắc phục các khiếm khuyết rất nhanh.

 

Năm 2016, ngành GTVT chuyển sang giai đoạn mới, đặt ra cho ngành những vấn đề lớn, nhưng lúc nào giao thông vẫn lãnh trách nhiệm “đi trước mở đường”. Tuy được giao đầu tư nhiều dự án, nhưng nguồn vốn ngân sách ngày càng trở nên hạn hẹp. Theo đó, Bộ đặt ra mục tiêu 50% nguồn vốn ngân sách, còn lại huy động xã hội hóa.

 

Chắc chắn, với năng lực sẵn có, PMU đường Hồ Chí Minh sẽ phát huy được tính chủ động, sáng tạo, tiếp cận các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức tín dụng để huy động vốn, giữ vững vị thế tiên phong trong giai đoạn mới của ngành để hoàn thiện toàn bộ tuyến đường mang tên Bác dọc theo chiều dài đất nước. Thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, khi “đường lớn đã mở”, sẽ khơi dậy những tiềm lực bao năm tưởng chừng ngủ quên, đưa đất nước vững bước “đi tới tương lai”.

 

Sinh thời, Hồ Chủ tịch kính yêu từng dặn dò: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng". Hôm nay, trong công cuộc đổi mới của đất nước, ngành GTVT vẫn thể hiện vai trò một ngành kinh tế quan trọng, luôn "đi trước mở đường". Khi hệ thống đường bộ quốc gia hoàn chỉnh, sẽ nối những "mạch máu" vươn tới nơi xa xôi, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền. Trong mỗi bước tiến vững chãi của đất nước đi về phía Mùa Xuân, đều có sự hiện diện của những con đường, cây cầu, của bàn tay và khối óc những người lao động ngành giao thông.

 

Trong khoảng ba năm trở lại đây, ngành giao thông vận tải đã đạt được kỳ tích: huy động nguồn vốn “khổng lồ” tới hàng trăm nghìn tỷ đồng từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư các dự án giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), làm thay đổi rõ nét bộ mặt hạ tầng giao thông đất nước. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2014 cho thấy, năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam vươn lên ở vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và 29 bậc so với năm 2010.