Năm nay, hạn hán tiếp tục diễn ra khốc liệt tại nhiều nơi trên cả nước. Tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cũng như khu vực miền Đông Nam bộ, người dân và chính quyền địa phương đang gồng mình từng ngày để chống chọi với tình trạng này.
Những ngày qua, ông Phan Tươi, nông dân thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận hết sức lo lắng cho 7 sào lúa đang trổ đòng của gia đình. Kênh mương thủy lợi đã cạn kiệt cả tháng qua, lúa trên đồng bắt đầu có dấu hiệu cháy ngọn do thiếu nước. Điều mà ít khi xảy ra ở vùng trồng lúa trọng điểm, ven sông La Ngà của tỉnh Bình Thuận.
Ông Phan Tươi cho biết: “Năm nay phải nói là hạn hán chưa từng có. Lúa đã trổ rồi, nếu như không có nước thêm nữa, lúa sẽ hư hết. Người dân mong ngành Thủy lợi phải bố trí cho một đến hai cây nước nữa để lúa sống đến ngày thu hoạch”.
Vừa qua, tỉnh Bình Thuận phải dừng sản xuất hơn 15.000 héc-ta lúa đông xuân vì thiếu nước. Hiện, lượng nước tích trữ tại tất cả các hồ thủy lợi trên địa bàn chỉ còn 111 triệu mét khối, bằng một nửa dung tích thiết kế. Với lượng nước còn lại, tỉnh Bình Thuận đang điều tiết, sử dụng tiết kiệm. Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biện pháp cấp bách đang được đẩy mạnh là đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thủy lợi chống hạn ở cả phía Bắc lẫn phía Nam. Trước mắt, ưu tiên đảm bảo nước sinh hoạt ở vùng hạn nặng nhất tỉnh.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị với cơ quan Trung ương hỗ trợ vốn xây dựng một số công trình cấp bách. Hoàn thành sớm kênh tiếp nước Tà Pao - Hàm Tân để đưa về hồ Sông Dinh 3 để tăng thêm nguồn nước cho vùng phía Nam, đặc biệt là huyện Hàm Tân hiện nay đang thiếu nước hết sức nghiêm trọng. Một phần của thị xã La Gi cũng như vậy”.
Thời điểm này, Bình Thuận được đánh giá là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất ở khu vực Nam Trung Bộ, tiếp đến là Ninh Thuận. Sau đợt hạn kỷ lục năm ngoái, năm nay Ninh Thuận tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề do thời tiết khắc nghiệt. Hơn 5.700 héc-ta lúa Đông xuân phải ngừng sản xuất. Dự kiến diện tích ngừng sản xuất do thiếu nước trong vụ Hè thu tới sẽ lớn hơn nhiều so với vụ này.
Sông Sắt là hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh Ninh Thuận cũng đang cạn dần, hiện chỉ còn 18,5 triệu m3, tức là bằng 26% dung tích thiết kế. Hồ Sông Sắt cạn nước, huyện Bác Ái sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Về phương án chống hạn sắp đến của địa phương, ông Mẫu Thái Phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Huyện đã lên phương án, nếu không có mưa nữa, huyện cũng chủ động không cho sản xuất để giảm thiệt hại đến người dân và giảm thiểu thiệt hại đến đàn gia súc. Đồng thời chúng tôi chủ động tiết kiệm nước để làm sao cho tới đây đủ nước uống cho đàn gia súc và nước sinh hoạt cho dân”.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, hạn hán không dừng lại ở đây mà sẽ còn khốc liệt hơn nữa, nên các tỉnh hạn nặng ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên, nhất là hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận cần có giải pháp mạnh mẽ hơn. Không những chỉ giải quyết tình trạng hạn hán của năm nay, mà còn phải hướng tới biện pháp lâu dài.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Chúng ta phải có cách tiếp cận mới, phù hợp với hoàn cảnh mới một cách mạnh mẽ hơn. Căn bản nhất là thay đổi cơ cấu sản xuất, như tỉnh Ninh Thuận, Bắc Bình Thuận và một số địa phương khác phải tập trung cao hơn vào nỗ lực hỗ trợ nhân dân phát triển chăn nuôi thay vì tập trung vào cây lúa”.
Trong cuộc họp bàn công tác chống hạn tại 9 tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ tổ chức tại Ninh Thuận hôm 22/2 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các địa phương tiếp tục xem chống hạn là nhiệm vụ hàng đầu.
Từng địa phương cần có giải pháp thật cụ thể nhằm giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo cho người dân không bị đói, không bị thiếu nước trong mùa hạn. Công tác tuyên truyền cần được chú trọng hơn để toàn dân kịp thời nắm bắt tình hình hạn hán, chung tay cùng cả hệ thống chính trị đối phó với hạn hán khốc liệt đang diễn ra./.