Chưa tới cao điểm nắng nóng mùa hè nhưng hạn hán đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân tại một số địa phương của huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Người dân đang phải gồng mình chống chọi với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Xã Vĩnh Hòa là một trong những địa phương bị hạn nặng nhất của huyện Vĩnh Thạnh. Nguồn nước chủ yếu phục vụ cho sản xuất, đời sống của người dân ở đây là hồ chứa nước thủy lợi Hà Nhe và hệ thống giếng đào theo cụm dân cư, nhưng hiện nay nguồn nước này đã cạn kiệt.
Ông Nguyễn Hữu Xuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh cho biết, hồ thủy lợi Hà Nhe được Nhà nước đầu tư phục vụ nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân tái định cư hồ Định Bình, xã Vĩnh Hòa vào năm 2003. Hồ có dung tích thiết kế 3,7 triệu m3 nước và phục vụ nhu cầu nước sản xuất cho trên 100 ha cây trồng của xã Vĩnh Hòa. Tuy nhiên, do thời tiết khô hạn, ít mưa từ năm 2015 nên hồ chỉ tích trữ được khoảng 700 nghìn m3 nước, đến nay nước tại hồ chỉ còn khoảng 80 nghìn m3 (dưới mực nước chết). Do nguồn nước không còn nên 87 ha sản xuất lúa vụ hè thu của xã sẽ không sản xuất được.
Tại các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Thuận và Vĩnh Sơn, tình hình hạn hán cũng rất nghiêm trọng. Hạn hán ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, cụ thể, xã Vĩnh Thuận có 31 ha, Vĩnh Thịnh 30 ha và Vĩnh Sơn trên 25 ha diện tích vụ hè thu năm nay không sản xuất được do thiếu nước.
Thiếu nước cũng khiến đời sống sinh hoạt của người dân địa phương bị đảo lộn. Tại thôn M9, xã Vĩnh Hòa, những giếng nước đào theo c ụm dân cư đã cạn kiệt (g iếng nước “cụm dân cư” là kết quả thực hiện chủ trương trước đây của Nhà nước khi thực hiện tái định cư cho nhân dân xã Vĩnh Hòa về sử dụng nguồn nước ngầm bằng cách làm giếng đào theo từng cụm gia đình, mỗi giếng phục vụ nước sinh hoạt cho từ 5- 7 hộ).
Ông Đinh Dớ, thôn M9, xã Vĩnh Hoà cho biết, nhìn từ trên xuống với độ sâu khoảng trên 25 m đáy giếng của gia đình ông không còn một giọt nước nào.
Còn ông Đinh Minh Lua, thôn M9, xã Vĩnh Hòa chia sẻ, hiện lượng nước trong giếng của gia đình còn lại rất ít. Đây là giếng có mạch nước ngầm tốt hơn các giếng khác trong làng. Nhưng lượng nước hiện có chỉ đủ sử dụng nước uống cho một số gia đình trong vài ngày.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Việt Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hoà cho biết, toàn xã có 545 hộ dân với 2.356 nhân khẩu. Tình hình thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn xảy ra từ đầu tháng 3/2016. Hiện nay, trên địa bàn xã có 80% số giếng nước đã bị cạn kiệt. Mặt khác, do nước ở hồ chứa Hà Nhe đang bị phơi đáy và các nguồn nước chuyển từ nơi khác đến kể cả hồ thủy lợi Định Bình cũng không thực hiện được do địa hình xã nằm ở độ cao và cách xa hồ chứa nước. Vì vậy, nắng hạn sẽ dẫn đến nguy cơ nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân đang bị uy hiếp nghiêm trọng.
Ông Trần Quốc Lại, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, toàn huyện có gần 200 ha trong tổng số 900 ha diện tích vụ hè thu không sản xuất được do thiếu nước; trên 500 ha cây đỗ các loại cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước.
Trước tình hình trên, lãnh đạo huyện đã có nhiều giải pháp bước đầu như, huyện chủ trương không sản xuất vụ hè thu ở những địa phương không có nước tưới; dồn sức cho sản xuất vụ đông để góp phần đảm bảo an toàn lương thực cho đồng bào...Đối với nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, ở những nơi sử dụng giếng đào, huyện tiến hành khoan bọng giếng tìm kiếm thêm nguồn nước; triển khai phương án bố trí mới một số trạm bơm có đủ điều kiện khả thi, để bơm nước từ các hồ thủy lợi lớn dẫn nước phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Đặc biệt, khi cần thiết huyện sẽ thuê xe vận chuyển nước từ nơi khác để giải quyết kịp thời cho nhân dân. Huyện cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống nước tự chảy với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng, để lấy nước từ hồ chứa Hòn Lập về xã Vĩnh Hòa chậm nhất vào cuối tháng 4/2016./.