Ngày 15/3, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2015. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam dự và chủ trì hội nghị.
Hiện nay cả nước có trên 10 triệu người cao tuổi, chiếm 10,9% dân số. So với năm 2014, số người cao tuổi tăng 5,61%. Trong đó, tỷ lệ người cao tuổi ở nông thôn chiếm 65,69%, người cao tuổi dân tộc ít người chiếm gần 10%. Tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo trên 20%.
Đến nay cả nước có khoảng 2,85 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội; hơn 1,5 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 481.619 người cao tuổi được khám mắt, 84.105 người cao tuổi được chữa mắt miễn phí. Tuy nhiên có đến 4 triệu người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế, do đó Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Hội Người cao tuổi cần có giải pháp nhằm tăng tỷ lệ hưởng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội của người cao tuổi đạt mức trung bình của cả nước.Về vấn đề chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người cao tuổi tại một số địa phương thực hiện chưa thống nhất, còn nhiều hạn chế, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết để tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi trong khám chữa bệnh.
Theo Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi, trong năm 2015, các tỉnh, thành phố đã chủ động trong triển khai thực hiện Luật Người cao tuổi và các chính sách đối với người cao tuổi. Một số tỉnh triển khai thực hiện tốt các mô hình thể dục, dưỡng sinh, văn hóa, văn nghệ, mô hình chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi đem lại hiệu quả thiết thực. Qua kiểm tra cho thấy 100% người cao tuổi đủ điều kiện hưởng trợ cấp đều đã được nhận trợ cấp đầy đủ và đúng thời gian theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, còn một số địa phương thiếu quan tâm, chưa xây dựng được kế hoạch, chương trình thực hiện chính sách pháp luật đối với người cao tuổi. Việc bố trí kinh phí, triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012 - 2020 ở các Bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, kết quả đạt chưa cao. Nhiều tỉnh không hướng dẫn và chưa triển khai thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi, chưa bố trí kinh phí thực hiện tại trạm y tế. Công tác khám sức khỏe định kỳ, tư vấn, tuyên truyền phổ biến kiến thức phòng và chữa bệnh cho người cao tuổi tại cơ sở còn nhiều hạn chế. Việc thành lập quỹ chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục và huy động nguồn hỗ trợ...
Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét hỗ trợ đối với người cao tuổi thuộc hộ nghèo (từ 60 tuổi đến 79 tuổi) hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hạ độ tuổi người trợ cấp hàng tháng xuống 75 tuổi đối với người cao tuổi dân tộc thiểu số và người cao tuổi sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Ủy ban cũng đề nghị xây dựng, ban hành danh mục dịch vụ trợ giúp xã hội, khung giá trợ giúp xã hội để thực hiện hợp đồng chăm sóc nuôi dưỡng người cao tuổi có thu phí.