Xung quanh việc sử dụng chất tạo nạc salbutamol trong chăn nuôi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, một lần nữa, câu chuyện về trách nhiệm và sự phối hợp giữa các bộ lại được đặt ra.
Liên quan đến những thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rằng, năm 2015 đã có 6 tấn chất tạo nạc salbutamol được bán ra thị trường, trong đó chỉ có 10 kg được sử dụng đúng quy định và những thông tin được thông báo chính thức từ Bộ Y tế, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng ai là người ký cho nhập một lượng dư quá nhiều như vậy, người đó chịu trách nhiệm. “Chính phủ giao cho ai? Trong khi Bộ Y tế chỉ cần 10% trong tổng số đó thì ai là người ký cho nhập một lượng dư thừa nhiều như thế là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên” – đại biểu khẳng định.
Theo bà Bùi Thị An, Chính phủ cần vào cuộc, yêu cầu các Bộ báo cáo, giải trình rõ trách nhiệm. Đây là vấn đề đã làm thiệt hại cho dân, xuất phát từ góc độ quyền lợi của người dân, vì dân, do dân, Chính phủ phải vào cuộc làm cho được, tránh hậu họa khôn lường. Bà An cũng đề cập đến trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước phải quản lý, phát hiện, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Lực lượng quản lý thị trường đủ độ nhạy, đủ trình độ để phát hiện ra những hàng giả, hàng bẩn, hàng không được phép lưu thông. “Đừng trách người dân, người dân chăn nuôi, một là hiểu biết không đầy đủ, hai là vì lợi nhuận, lòng tham nên xảy ra chuyện đó… Đã nuôi lợn, bán ra thị trường rồi mới ngồi xem xét, xét đoán nhau là muộn. Giờ phải ngăn chặn từ gốc để không bao giờ thiệt hại đến dân” – đại biểu An nói. Bà cũng đề nghị Chính phủ cho rà soát lại trong kho còn bao nhiêu chất tạo nạc, so với dự báo của ngành y tế, trong vòng 5 năm tới có đủ không, từ đó cấm tuyệt đối.
Còn theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), trách nhiệm chính về quản lý nhập khẩu chất salbutamol vẫn phải là Bộ Y tế. Ngành Y tế phải quản lý từ khâu nhập khẩu, số lượng bao nhiêu, sử dụng trên thực tế là bao nhiêu, phải kiểm soát việc đó một cách chặt chẽ. Không để tình trạng doanh nghiệp giải trình hợp lý là cho nhập, sử dụng bao nhiêu không cần biết. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách về chăn nuôi có quyền kiểm soát khâu đưa vào sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, nhưng Bộ không nắm được việc cho phép nhập khẩu là bao nhiêu, những đơn vị nào được nhập khẩu, nên mới có chuyện nhập nhiều nhưng đưa vào sử dụng trong y tế lại ít, chỉ khoảng 10%. Khâu phối hợp giữa các bộ hiện rất yếu, cần tăng cường khâu phối hợp giữa hai cơ quan để kiểm soát việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi – ông Cương khẳng định.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) lại cho rằng trách nhiệm đầu tiên là các bộ phối hợp với nhau không chặt chẽ, nhưng trách nhiệm chính là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đổ cho Bộ Y tế là không thỏa đáng lắm, chịu trách nhiệm với dân, đó là Thanh tra Nông nghiệp. Chất salbutamol trên thế giới đã cảnh báo từ lâu nhưng đến 2014 Bộ này mới đưa ra, chậm quá. Khi phát hiện, đáng lẽ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải ráo riết làm việc ngay với Bộ Y tế, kiểm soát chặt chẽ, nhưng Bộ này cấm rồi (đưa chất salbutamol vào danh mục chất cấm sử dụng trong chăn nuôi – PV) vẫn không báo Bộ Y tế, không có sự trao đổi với nhau.
Theo ông Tiên, khi đưa ra được danh mục các chất cấm, phải có sự tham gia của các bộ, ngành. Luật dược đã đưa ra quy định những thuốc phải theo dõi, đặc biệt là những thuốc tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần và những hóa chất của các ngành khác. Khi doanh nghiệp nhập khẩu các hóa chất cấm để sản xuất thuốc phải đưa vào diện thuốc theo dõi đặc biệt, nhập bao nhiêu, sản xuất bao nhiêu, bán cho ai, như thế nào đều phải phối hợp chặt chẽ, không thể mạnh bộ nào, bộ đó làm.
Những vấn đề liên ngành, các bộ phải ngồi trao đổi với nhau trước khi ban hành các chính sách mới có hiệu quả. Câu chuyện về chất tạo nạc là ví dụ điển hình về cơ chế phối hợp, điều phối, thông báo liên ngành đang bất cập, đây là vấn đề phải rút kinh nghiệm - ông Tiên gút lại phần trả lời của mình./.