Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ lần thứ 18

14:49, 04/03/2016

Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ lần thứ 18 năm 2016 với chủ đề "Doanh nghiệp và người lao động tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật An toàn, vệ sinh lao động" sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 26/3/2016.

Lễ phát động được tổ chức tại Trung tâm hội nghị tỉnh Hưng Yên sáng 20/3, với tinh thần đổi mới, tiết kiệm, hiệu quả, hướng tới những hoạt động cụ thể tại doanh nghiệp, cơ sở trong bối cảnh đang triển khai Luật An toàn vệ sinh lao động được Quốc hội thông qua tháng 6/2015 và có hiệu lực từ 1/7/2016.

 

Cùng với việc tổ chức Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động; thanh, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng, như: xây dựng, khai khoáng, hóa chất, sử dụng điện, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại. Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc điều tra, bảo đảm đúng thời hạn, xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ tai nạn lao động để kịp thời giải quyết chế độ cho người lao động bị tai nạn cũng như có biện pháp khắc phục nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động.

 

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, chú ý đến các hoạt động xây dựng các quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp; tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt là Luật An toàn vệ sinh lao động. Các doanh nghiệp tăng cường triển khai công tác an toàn vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa tai nạn lao động do ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập; tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động...

 

Thông tin về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ năm 2015, tại cuộc họp báo tổ chức sáng 4/3/2016, Cục trưởng cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tất Thắng cho biết: Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ trong năm 2015 vẫn diễn biến rất nghiêm trọng. Số vụ tai nạn lao động tăng, số người chết do tai nạn lao động và số vụ cháy đều tăng. Các địa phương để xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động chết người là: Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Long An, Thái Nguyên, Thanh Hóa..., trong đó, Đồng Nai là địa phương thống kê được số vụ tai nạn lao động nhiều nhất, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số vụ tai nạn lao động chết người cao nhất cả nước.

 

Cụ thể, theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2015, cả nước đã xảy ra 7.620 vụ tai nạn lao động, làm 7.785 người bị nạn. Trong đó, có 629 vụ tai nạn lao động chết người; 79 vụ tai nạn lao động có hai người bị nạn trở lên; 66 người chết do tai nạn lao động... Qua phân tích từ 238 biên bản điều tra tai nạn lao động chết người, các yếu tố làm chết người nhiều nhất là: ngã từ trên cao xuống (chiếm 28,1% tổng số vụ tai nạn và 26,4% tổng số người chết); điện giật (chiếm 18,9% tổng số vụ và 17,2% tổng số người chết); vật rơi, đổ sập (chiếm 16,8% tổng số vụ và 22,6% tổng số người chết)...

 

Nguyên nhân tai nạn lao động do người sử dụng lao động chiếm 52,8%, do người lao động chiếm 18,9% và nguyên nhân còn lại chiếm 18,3%. Thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2015 là 153,97 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 21,96 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 99.679 ngày.../.