Năng lượng, Đô thị và Tài nguyên thiên nhiên sẽ được thảo luận tại Diễn đàn 3GF

08:08, 09/03/2016

Từ ngày 7-9/3, Đặc phái viên của Diễn đàn tăng trưởng Xanh toàn cầu (3GF), ông Geert Aagaard Andersen thăm làm việc tại Việt Nam tìm hiểu cơ hội và mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực tăng trưởng xanh. Chiều 8/3, tại Hà Nội, ông Geert Aagaard Andersen đã gặp gỡ báo chí chia sẻ kết quả chuyến thăm và thông tin về Hội nghị thượng đỉnh 3GF sẽ diễn ra tại Đan Mạch vào tháng 6/2016.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí, ông Geert Aagaard Andersen cho biết: Đan Mạch và Việt Nam đã có hợp tác lâu dài trong lĩnh vực tăng trưởng xanh. Việt Nam cũng đã có chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Chiến lược này chỉ ra những định hướng quan trọng cho Việt Nam trong triển khai Chiến lược tăng trưởng Xanh như thế nào. Diễn đàn 3GF được khởi xướng vào năm 2011, là diễn đàn hợp tác công-tư được chủ trì bởi Chính phủ Đan Mạch. Đan Mạch muốn đưa đến cho những đối tác, các nước tham dự Diễn đàn những kết quả mà Đan Mạch đã đạt được trong lĩnh vực tăng trưởng xanh.

 

Từ năm 2011, Đan Mạch cùng Chính phủ 7 nước tham gia 3GF cùng đông đảo doanh nghiệp đã thảo luận những vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh, gồm: làm thế nào sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hơn; năng lượng tái tạo; làm sạch đất nông nghiệp để sản xuất những sản phẩm nông nghiệp sạch hơn, bền vững; làm thế nào tái sử dụng rác để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn...

 

Chia sẻ về kết quả làm việc với lãnh đạo Bộ Tài Nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong chuyến thăm làm việc, ông Geert Aagaard Andersen cho biết, lãnh đạo ba cơ quan của Việt Nam có mối quan tâm sâu sắc và bày tỏ mong muốn tham dự Diễn đàn 3GF diễn ra từ ngày 6-7/6/2016.

 

Ông Geert Aagaard Andersen cho biết, tại 3GF sắp tới, các đại biểu sẽ tập trung vào ba mảng nội dung chính. Các nước tham gia sẽ cùng thảo luận làm thế nào để giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng thông qua chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng mới khác.

 

Về mảng đô thị, ông Geert Aagaard Andersen cho rằng, đô thị là nơi tiêu thụ nhiều năng lượng và tài nguyên nhất. Với việc tăng thu nhập đồng nghĩa với tiêu thụ tăng lên. Vậy làm thế nào để các đô thị trở nên bền vững hơn? Các đô thị và vùng lân cận có thể tái sử dụng lại các sản phẩm đã tiêu thụ, ví dụ như nước. Làm thế nào có thể quy hoạch để việc đi lại từ điểm này đến điểm khác trong đô thị sử dụng năng lượng ít nhất. Bằng việc thay đổi phương tiện đi lại cũng làm giảm năng lượng tiêu thụ trong các đô thị rất nhiều...

 

Nội dung thứ ba là vấn đề tài nguyên thiên nhiên, Diễn đàn sẽ tập trung vào hai chủ đề là nước và rừng với những vấn đề nêu ra là làm thế nào để giảm lượng nước tiêu thụ, tái sử dụng nước. Làm cách nào để giảm việc mất đi diện tích rừng.

 

Nhân dịp này, ông Geert Aagaard Andersen đã chia sẻ về những thành công trong tăng trưởng xanh ở Đan Mạch. Ông Geert Aagaard Andersen cho biết: “Đan Mạch có nhiều điện gió, vậy thách thức đặt ra là làm thế nào có thể quản lý nguồn điện năng cung cấp cho đất nước khi phụ thuộc vào nguồn năng lượng “phập phù” như gió? Chúng ta muốn có điện suốt 24 tiếng mỗi ngày nhưng gió không thổi suốt 24 tiếng mỗi ngày. Đó là những nội dung sẽ được thảo luận trong diễn đàn”...

 

Vào tháng 11/2015 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác. Văn bản này công nhận Việt Nam trở thành thành viên chủ chốt thứ tám của 3GF. Theo đó, Việt Nam trở thành quốc gia ASEAN duy nhất tại 3GF và là thành viên cốt lõi thứ tám của Diễn đàn cùng các quốc gia thành viên gồm: Đan Mạch, Hàn Quốc, Mexico, Trung Quốc, Kenya, Qatar và Ethiopia.

 

Được biết, Việt Nam tham gia 3GF từ sự kiệ n đầu tiên năm 2011. Trong Diễn đàn 3GF năm 2014, đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu đã đóng vai trò then chốt trong việc phát triển sáng kiến “Race to the Top (Chạy đua lên top dẫn đầu) về chuỗi giá trị dệt may bền vững. Sáng kiến này đang được thực hiện thí điểm tại Việt Nam dưới hình thức hợp tác công-tư./.