Phụ huynh đóng vai trò quan trọng giúp con “tìm lại ngôn ngữ”

17:42, 03/03/2016

Theo số liệu thống kê, Việt Nam có khoảng 1,2 triệu trẻ khuyết tật, trong đó, trẻ khiếm thính chiếm 12%. Thực tế chứng minh rằng, việc can thiệp và định hướng đúng với điều kiện của từng trẻ sẽ giúp các em có nhiều cơ hội hòa nhập cộng đồng qua phương tiện giao tiếp bằng ngôn ngữ. Để làm được điều đó, cần sự chung sức của các chuyên gia can thiệp, bác sỹ, cộng đồng và đặc biệt là cha mẹ của trẻ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vai trò của phụ huynh trong việc giáo dục trẻ khiếm thính chiếm đến 85%.

*Xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với trẻ

 

Thầy thuốc ưu tú - Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Bích Thủy, nguyên là Trưởng Khoa Thính học, Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những chuyên gia đầu ngành thính học của Việt Nam cho biết: Đối với trẻ khiếm thính, dù bị suy giảm sức nghe nhưng nếu được hỗ trợ phương tiện trợ thính phù hợp như máy trợ thính, ốc tai điện tử thì các em vẫn có khả năng nghe âm thanh và phát triển ngôn ngữ nói. Những năm gần đây, vấn đề phát triển ngôn ngữ nói cho trẻ suy giảm thính giác đã được các nhà giáo dục, các bậc phụ huynh quan tâm, phát hiện sớm và có những phương pháp can thiệp kịp thời giúp trẻ có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ và hòa nhập với cộng đồng.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, mỗi phụ huynh cần xem xét điều kiện kinh tế của gia đình mình để lựa chọn các thiết bị hỗ trợ thính lực như: máy trợ thính hay điện cực ốc tai. Phương tiện trợ thính phải đảm bảo thích ứng với mức độ khiếm thính của trẻ và phải được hiệu chỉnh phù hợp với sức nghe của trẻ. Trẻ cần được đeo trợ thính càng sớm càng tốt, ngay sau khi phát hiện trẻ bị khiếm thính, thiết bị trợ thính cần được đeo suốt ngày (trừ khi tắm và khi đi ngủ). Thông qua sức nghe của trẻ, phụ huynh phối hợp cùng các chuyên gia để đánh giá đúng năng lực về khả năng ngôn ngữ, khả năng hòa nhập... của trẻ. Từ đó, quyết định phát triển phương tiện giao tiếp nào cho trẻ cũng như xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với mỗi trẻ.

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy nhấn mạnh: Các hoạt động luyện nghe – dạy nói đều phải gắn với các hoạt động hàng ngày. Thông qua các tình huống giao tiếp sẽ giúp trẻ phát triển kĩ năng lắng nghe, kĩ năng quan sát, sự tập trung chú ý, mở rộng vốn từ, khả năng tưởng tượng... từ cấp độ đơn giản đến phức tạp phù hợp với tuổi nghe của trẻ. Cơ hội được trải nghiệm trong các tình huống thực tế giúp cho trẻ tích lũy được vốn kinh nghiệm nghe, kinh nghiệm sống và có khả năng áp dụng linh hoạt trong từng hoàn cảnh giao tiếp khác nhau.

 

*Kinh nghiệm phát triển ngôn ngữ - giáo dục trẻ khiếm thính

 

Chị Chử Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội Cha mẹ trẻ khiếm thính Việt Nam tâm sự: Con gái chị bị khiếm thính do ngộ độc thuốc từ lúc còn rất nhỏ. Năm 2006, chị chưa hề biết đến việc sàng lọc khiếm thính của trẻ nhỏ và những kiến thức về khiếm thính cũng chưa được phổ biến rộng như hiện nay. Đó là thời kỳ mà mỗi khi nghĩ lại, chị thấy ân hận và nuối tiếc. Khi bé Hồng Anh được 5 tuổi, chị Hương đã đưa con sang Singapore để gặp bác sỹ làm việc với trẻ khiếm thính với hi vọng có thể chữa được cho con. Sau tất cả quá trình đo, khám, đánh giá, chị mới nhận ra rằng đã làm mất “quãng thời gian vàng” của con vì không gặp đúng người để được tư vấn và đặt ra định hướng đúng với con. Vì vậy, khi quay về Việt Nam, chị Hương quyết tâm thành lập Hội cha mẹ trẻ khiếm thính để các cha mẹ cùng cảnh ngộ có một cộng đồng chia sẻ - giúp đỡ nhau dạy các con.

 

Chị Thanh Hương chia sẻ: Khi trẻ được chẩn đoán bị điếc hay bất kỳ khuyết tật nào thì đó là một cú sốc lớn đối với những người làm cha, làm mẹ. Để cha mẹ có thể vượt qua khoảng thời gian khó khăn nhất là cả một quá trình và sự quyết tâm rất lớn. Với trẻ khuyết tật nói chung và trẻ khiếm thính nói riêng, phụ huynh phải dành nhiều thời gian và công sức để chăm sóc, giáo dục trẻ. Vì vậy, việc tìm hiểu thông tin, tìm nơi tư vấn để đưa ra kế hoạch giáo dục tốt nhất cho con mình, người đó không phải ai khác mà chính là cha mẹ của trẻ.

 

Từ kinh nghiệm chăm sóc con gái, chị Thanh Hương cho rằng, để phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính, phụ huynh cần lựa chọn hoạt động phù hợp với tuổi nghe – tuổi sinh học. Ví dụ, bé được 2 tuổi mới phát hiện bị khiếm thính và đeo máy trợ thính, lúc này, tuổi nghe của bé là 0; tuổi đời là 2. Ở lứa tuổi này, bé thích các hoạt động liên quan đến con vật – búp bê. Phụ huynh có thể cùng bé chơi trò chơi và hát những bài hát phù hợp lứa tuổi, giúp trẻ lĩnh hội những kiến thức môi trường xung quanh nhưng vẫn lồng ghép được mục tiêu là bé nghe – phát hiện – nhận biết âm thanh với lứa tuổi nghe là 0 tuổi. Gia đình phải tích cực giúp bé thực hành ở mọi lúc mọi nơi và trong bất kể tình huống giao tiếp nào, mặc dù trẻ chưa hiểu hết thông tin mà cha mẹ trao đổi. Bên cạnh đó, cha mẹ cần huy động mọi người trong gia đình (ông, bà, chú, bác, anh chị em...) cùng tham gia giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, tăng cường cho trẻ giao lưu với cộng đồng. Phụ huynh hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình biết cách chơi, chăm sóc, giáo dục trẻ để họ có kỹ năng cần thiết giúp trẻ phát triển ngôn ngữ hiệu quả nhất.

 

Đồng cảm với những gia đình có trẻ khiếm thính, chị Chử Thị Thanh Hương nhắn nhủ: Phụ huynh phải luôn là người đồng hành với con trên mỗi chặng đường phát triển của trẻ. Ngay cả khi trẻ lớn lên thì mối quan hệ giữa phụ huynh và trẻ sẽ là một tình bạn vững bền, đáng tin cậy để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ. Từ đó, phụ huynh hiểu được những thay đổi về tâm sinh lý qua các giai đoạn then chốt nhất, giúp trẻ có những định hướng trong học tập, các mối quan hệ xã hội và nghề nghiệp trong tương lai; để trẻ tự tin, tự lập trong cuộc sống, trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội./.