Ngày 3-3, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết triển khai Đợt cao điểm hành động Năm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp và triển khai kế hoạch năm 2016 với 63 tỉnh, thành phố. Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở: Nông nghiệp - PTNT, Y tế, Công Thương, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh.
Sau hơn 4 tháng triển khi Đợt cao điểm hành động Năm Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp (từ tháng 10-2015 đến hết tháng 2-2016), các tỉnh, thành trong cả nước đã chú trọng các hoạt động hướng dẫn các cơ sở kinh doanh về đảm bảo ATTP, lẫy mẫu kiểm tra, xác nhận sản phẩm an toàn; tổ chức truyền thông về đợt cao điểm; kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời cũng như xử lý các vi phạm; tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu; phát hiện, triệt phá các cơ sở lưu thông, buôn bán chất cấm trong chăn nuôi… Nhờ đó bước đầu đã ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông, buôn bán và sử dụng chất cấm Salbutamol, vàng O trong chăn nuôi; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh về ATTP. Lũy kế từ năm 2015 đến tháng 2-2016, cả nước phát hiện 326/6.166 mẫu rau quả, trái cây nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép; 106/5.433 mẫu thịt và sản phẩm chế biến vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép. Các cơ sở vi phạm đã được các cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Tại tỉnh Thái Nguyên, trong Đợt cao điểm, toàn ngành nông nghiệp đã tổ chức thanh, kiểm tra 951 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông, lâm thủy hải sản. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, có 3/16 mẫu thức ăn chăn nuôi và 7/13 mẫu nước tiểu lợn phát hiện có chất Salbutamol.
Tại Hội nghị, đại biểu các địa phương đã đưa ra một số ý kiến như: Bổ sung chế tài xử lý vi phạm mức cao hơn; rà soát lại trình độ cán bộ thanh kiểm tra, đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác thanh, kiểm tra; hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng nông thủy sản an toàn;… Trong năm 2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tập trung nâng cao nhận thức và ngăn chặn hiệu quả, tạo bước chuyển căm bản, tiến tới giải quyết dứt điểm các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ, phân bón làm giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc; chấm dứt các hành vi vi phạm về chất cấm trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả, chè để tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thủy sản trong nước.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT yêu cầu ngành Nông nghiệp và các địa phương cần chủ động kiểm soát lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; ngăn chặn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, thuốc giả, kém chất lượng trôi nổi trên thị trường. Về công tác thông tin truyền thông cần có kế hoạch cụ thể, chính xác cho nhân dân, các cơ sở vi phạm sẽ được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với hàng nhập khẩu và tiêu thụ nội địa; tăng cường phối hợp giữa các ngành, các tỉnh trong việc quản lý, xử lý vệ sinh ATTP...