Thái Nguyên vươn lên vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng

15:39, 31/03/2016

Ngày 31-3, tại Khách sạn Melia - Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015. Đến dự có ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI; ngài Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng lãnh đạo 63 tỉnh, thành trong cả nước. Về phía tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Theo Bảng xếp hạng PCI năm 2015 được công bố, T.P Đà Nẵng vẫn giữ ngôi đầu bảng trong 3 năm liền với tổng điểm đạt 68,34, đánh dấu lần thứ 6 thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố. Tiếp đến là hai tỉnh có nhiều sáng kiến cải cách hành chính và đổi mới chất lượng điều hành nhất, gồm Đồng Tháp (66,39 điểm); Quảng Ninh (65,75 điểm). Vị trí thứ 4 và thứ 5 lần lượt thuộc về hai tỉnh có chất lượng điều hành tốt từ nhiều năm trước là Vĩnh Phúc (62,56 điểm) và Lào Cai (62,32 điểm).

 

Thái Nguyên nằm trong nhóm 10 tỉnh được đánh giá là có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2015 với tổng điểm 61,21, đứng ở vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng (vượt 1 bậc so với năm 2014), đứng trên các tỉnh Quảng Nam, Long An và Thanh Hóa. Trong khu vực miền núi phía Bắc, tỉnh ta xếp thứ 2 sau tỉnh Lào Cai. Như vậy, từ một tỉnh xếp ở vị trí thứ 57 (năm 2011), tỉnh ta đã phấn đấu nâng hạng lên vị trí thứ 17 (năm 2012) và đứng thứ 7 năm 2015. Theo đánh giá của VCCI, Thái Nguyên là một trong những địa phương có chỉ số tăng hạng nhanh nhất từ trước đến nay.

 

Theo VCCI, nhìn chung chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện. Đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận thông tin, cải cách thủ tục hành chính tại các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, chi phí không chính thức vẫn còn phổ biến, môi trường cạnh tranh còn thiếu bình đẳng... Đây được xem là những trở ngại chính đối với nền kinh tế.

 

Chỉ số PCI được xây dựng từ năm 2005 nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành, qua đó thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Báo cáo PCI năm 2015 được thực hiện trên cơ sở thông tin phản hồi từ 11.700 doanh nghiệp, trong đó có 10.200 doanh nghiệp dân doanh hoạt động ở 63 tỉnh, thành và gần 1.600 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động ở 14 tỉnh, thành trong nước.