Thu thập khoảng 1.600 mẫu tại các bệnh viện để giám sát dịch bệnh do vi rút Zika

15:03, 25/03/2016

Liên quan đến trường hợp du khách người Australia mắc bệnh do vi rút Zika sau thời gian du lịch ở Việt Nam, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giám sát các ca nghi ngờ nhiễm vi rút Zika trong 2 tuần từ ngày 28/3-8/4/2016.

Cụ thể, trong khoảng thời gian này, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thu, lấy mẫu 100% ca bệnh xâm nhập nghi ngờ nhiễm vi rút Zika. Đồng thời, 30 bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Đa khoa I, II của tỉnh Lâm Đồng sẽ thực hiện lấy mẫu hàng ngày từ 5-10 ca bệnh. Các ca bệnh này phải có các đặc điểm là bệnh khởi phát trong vòng 5 ngày, có các triệu chứng phát ban hoặc sốt và có một trong các biểu hiện như viêm kết mạc không mủ, xung huyết kết mạc, đau cơ, đau khớp, đau đầu. Tổng số mẫu với ca bệnh nội tại do các bệnh viện cung cấp dự kiến khoảng 1.600 mẫu. Riêng đối với bệnh nhân nghi nhiễm vi rút Zika có phát ban sẽ thực hiện thu dung 100% ca bệnh trong ngày.

 

Các mẫu bệnh phẩm và phiếu thông tin ca bệnh được chuyển về Khoa Vi sinh miễn dịch – Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm. Để nâng cao hiệu quả của đợt giám sát này, ngay trong sáng 25/3, các nhân viên y tế thuộc các bệnh viện trong chương trình đã được tập huấn, hướng dẫn việc khám chọn ca bệnh cũng như vấn đề thu thập, bảo quản, vận chuyển và xét nghiệm mẫu bệnh phẩm đối với ca nghi ngờ nhiễm vi rút Zika.

 

Theo bác sĩ Lương Chấn Quang - Phó trưởng Khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh), kế hoạch giám sát lần này đặt trọng tâm vào những tỉnh, thành phố có các điểm du lịch, giao thương đi lại cao có thể dễ dàng lan truyền mầm bệnh từ người và cả kể từ muỗi. Mục tiêu của đợt giám sát nhằm phát hiện sự lưu hành của vi rút Zika và triển khai kịp thời biện pháp phòng chống ngăn ngừa vi rút Zika lây lan trong cộng đồng.

 

Trước đó, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các địa phương triển khai đợt giám sát nhanh vào tháng 2-3/2016 tại 8 bệnh viện khu vực phía Nam, với tiêu chuẩn chẩn đoán là có triệu chứng sốt. Tuy nhiên, một nghiên cứu vụ dịch này ở đảo Yap (thuộc Liên bang Micronesia) cho thấy triệu chứng phát ban chiếm 90% ca bệnh, còn sốt chỉ chiếm 65%. Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán bao gồm ca bệnh phát ban hoặc sốt và ít nhất một trong các triệu chứng khác theo danh mục. Do đó, có thể do tiêu chuẩn chẩn đoán của Việt Nam trong thời gian qua quá chặt, kèm theo số điểm giám sát ít và trải rộng nên trong thời gian qua ngành y tế không phát hiện được ca bệnh./.