Kế hoạch thực hiện Bản Ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Malaysia về tuyển chọn và sử dụng lao động vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Theo đó, các Bộ, ngành và địa phương, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao, nội dung Bản Ghi nhớ, thực tế tình hình lao động của địa phương và các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng kế hoạch và nội dung tuyên truyền Bản Ghi nhớ. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành cơ quan liên quan thực hiện công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thông tin truyền thông cơ sở. Các địa phương chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến Bản Ghi nhớ.
Bên cạnh đó, chủ trì thực hiện và hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động sang Malaysia lao động theo hợp đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp, cung cấp danh sách các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép đầu tư sang Malaysia cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện hoạt động đưa người lao động Việt Nam sang thực hiện dự án đầu tư tại Malaysia.
Doanh nghiệp đưa người lao động sang Malaysia làm việc chịu trách nhiệm tổ chức quản lý người lao động theo đúng hợp đồng đã ký và quy định tại Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì việc hướng dẫn Ban Quản lý lao động và chuyên gia tại Malaysia và các doanh nghiệp thực hiện.
* Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang Malaysia làm việc từ năm 2002. Năm 2003, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác lao động. Thực hiện Bản ghi nhớ này, Việt Nam đã đưa được trên 220.000 lao động sang làm việc tại thị trường lao động này.
Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng người lao động sang Malaysia đã giảm sút nhiều, nguyên nhân do sức hấp dẫn về tiền lương, thu nhập tại thị trường Malaysia không còn như trước; cơ chế quản lý giám sát đối với lao động nước ngoài còn hạn chế, dẫn đến vụ việc phát sinh liên quan đến người lao động trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Do vậy, đến giữa năm 2015, Việt Nam và Malaysia đã ký kết lại Bản ghi nhớ về tuyển dụng và sử dụng lao động. Đây là cơ sở để thúc đẩy hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Malaysia trong thời gian tới và tạo điều kiện để quyền, lợi ích hợp pháp của lao động được bảo vệ tốt hơn.
Bản ghi nhớ quy định điều kiện tuyển dụng lao động, thời hạn sử dụng lao động, trách nhiệm của các bên, giải quyết tranh chấp...
Khác với lần trước, Bản ghi nhớ mới có 3 phụ lục về: Mẫu hợp đồng lao động ký giữa người lao động và người sử dụng lao động; trách nhiệm của người sử dụng lao động, công ty môi giới Malaysia, người lao động và doanh nghiệp Việt Nam; quy định các điều khoản tham chiếu cho nhóm công tác chung của hai Chính phủ theo dõi quá trình triển khai thực hiện Bản ghi nhớ.
Đặc biệt, trong hợp đồng mẫu có nội dung quy định người lao động có quyền được giữ hộ chiếu và các giấy tờ cá nhân. Đây là những cơ sở quan trọng giúp bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của lao động Việt Nam đi làm việc tại Malaysia./.