Hiện nay, tổng công suất các nhà máy xi-măng trên cả nước đạt hơn 81 triệu tấn, trong khi tiêu thụ năm 2016 ước đạt 75 triệu tấn, lượng cung vẫn vượt xa cầu, cộng thêm khó khăn trong công tác xuất khẩu.
Theo dự báo, tình hình tiêu thụ xi-măng năm 2016 sẽ rất khó khăn, nhất là trên thị trường xuất khẩu, cộng với cạnh tranh gay gắt nội địa khiến việc giữ vững thị phần, tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí trở thành nhiệm vụ trọng tâm của các DN sản xuất xi-măng trong năm 2016.
Sản lượng xuất khẩu xi-măng, clanh-ke của Việt Nam bị sụt giảm mạnh do phải cạnh tranh trực tiếp về giá từ các quốc gia có sản lượng xi-măng lớn như Trung Quốc, Thái-lan, In-đô-nê-xi-a… đặc biệt có thời điểm giá xuất khẩu của Trung Quốc thấp hơn nước ta khoảng 10 USD/tấn clanh-ke. Riêng sản lượng xuất khẩu xi-măng và clanh-ke của Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (VICEM) năm 2015 giảm gần 40% so với năm 2014 và dự kiến tiếp tục sụt giảm trong năm 2016.
Một vấn đề nữa cần quan tâm là khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại quốc tế, trong đó nổi bật là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sẽ có tác động không nhỏ tới chiến lược phát triển của các DN xi-măng. Theo các chuyên gia nhận định, các hiệp định này chưa ảnh hưởng trực tiếp trong một vài năm tới đối với các doanh nghiệp xi-măng.
Thực tế cho thấy, trong các nước thành viên TPP, Việt Nam là nước có năng lực sản xuất xi-măng lớn nhất, do vậy có thể được hưởng lợi từ xuất khẩu xi-măng vào các nước thành viên trong khối và trong khu vực. Tuy nhiên, sức cạnh tranh chắc chắn còn quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia Hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước. Hơn nữa, khi hội nhập TPP, nhiều doanh nghiệp FDI sẽ vào đầu tư xây dựng, nhu cầu tiêu thụ xi-măng dự báo sẽ tăng cao.