Thứ 2, 20/01/2025, 21:46

An toàn thực phẩm: Khi chế tài đã đủ

08:45, 10/04/2016

Nhìn rõ nguy cơ và sự nguy hiểm của tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, từ hơn 4 năm trước Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030. Rất nhiều các văn bản hướng dẫn thi hành cũng được các bộ, ngành liên quan ban hành. Chế tài và văn bản quy định về lĩnh vực này đã đủ nhưng tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn đang hiện hữu và là nỗi lo lắng không nguôi của của mỗi người tiêu dùng trong cả nước.

*Thực phẩm bẩn len lỏi khắp nơi

 

Chỉ trong quý I/2016, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 20 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt lên tới gần 500 triệu đồng, với 13 Công ty vi phạm về quảng cáo, 6 công ty vi phạm về chất lượng sản phẩm, Cục đã thu hồi 4 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; tạm dừng lưu thông 6 lô sản phẩm vi phạm…


Mới đây nhất, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương bắt quả tang các công nhân của một cơ sở chăn nuôi đang tiêm thuốc an thần bị cấm sử dụng cho lợn chuẩn bị giết thịt. Theo quy định, lợn bị tiêm thuốc phải để sau 7 ngày mới được giết mổ. Các cơ quan chức năng của thành phố Hồ Chí Minh đã liên tiếp bắt giữ nhiều lô hàng thịt “bẩn” được tuồn vào thành phố để tiêu thụ. Chi cục Thú y thành phố lấy 222 mẫu nước tiểu từ các đàn lợn của tám tỉnh có lượng thịt lợn lớn nhập vào thành phố để xét nghiệm, phát hiện phần lớn các mẫu đều chứa chất cấm dùng trong chăn nuôi. Qua kiểm tra tám cơ sở giết mổ trên địa bàn, kết quả cũng cho thấy việc sử dụng chất cấm để tạo nạc, tăng trọng cho lợn… đang ở mức báo động.

 

Năm 2015, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai kiểm tra 356 mẫu phát hiện 47 mẫu dương tính salbutamol, tương đương 13,2%. Trong 3 tháng đầu năm nay, kiểm tra 50 mẫu, phát hiện 8 mẫu dương tính với salbutamol, tương đương 16%...

 

Những tháng đầu năm 2016, hàng loạt các vụ việc liên quan đến rau bẩn, thịt bẩn… không chỉ của những người bán hàng ngoài chợ mà còn trong cả các siêu trị lớn, những của hàng rau sạch, rau an toàn. Người tiêu dùng hoang mang, lo lắng trước thông tin tưới dầu nhớt cho rau xanh non mơn mởn, rau muống được trồng tại nghĩa địa, trái cây và rau củ dư lượng chất bảo vệ thực vật, dùng hóa chất tạo màu vàng cho gà, "phù phép" thịt lợn nái thành thịt bò, việc sử dụng các loại thuốc tăng trọng trong chăn nuôi…

 

*Khắc phục tình trạng đổ lỗi cho nhau

 

Trong phiên họp Chính phủ vào cuối tháng 3/2016 mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định, an toàn thực phẩm là vấn đề liên quan tới sức khỏe, an toàn tính mạng của người dân. Hiện tại đã có đầy đủ các quy định pháp luật, phân công trách nhiệm rõ ràng cho các bộ, ngành. Chỉ cần các bộ, ngành làm đúng chức năng của mình sẽ dẫn đến sự phối hợp một cách tự nhiên. Bên cạnh dó cần khắc phục tình trạng không làm được thì đổ cho nhau, hoặc nói là không phối hợp được, hoặc do liên ngành…

 

Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu, trong năm 2016 cần có giải pháp cho vấn đề an toàn thực phẩm một cách căn cơ, tập trung giải quyết từ gốc, bắt đầu từ khâu thúc đẩy, mở rộng sản xuất nông sản an toàn. Bên cạnh đó cần tạo dựng thị trường cho việc tiêu thụ sản phẩm an toàn, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi việc lưu thông thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ; tiếp tục triển khai, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và địa phương tổ chức điều tra, phát hiện và đấu tranh với hành vi kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm không trong danh mục cho phép, không bảo đảm an toàn thực phẩm; kiểm soát ngộ độc thực phẩm và nâng cao điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, khu chế xuất.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; rà soát, bổ sung danh mục các chất cấm trong chăn nuôi; tiếp tục rà soát, đề xuất loại khỏi danh mục các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ ảnh hưởng có hại đến người và môi trường; nghiên cứu, bổ sung các hoạt chất mới an toàn, hiệu quả để bảo quản nông sản sau thu hoạch, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm.

 

Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị; có giải pháp mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm thực phẩm an toàn; giám sát chặt chẽ thực phẩm nhập khẩu qua biên giới, tập trung vào 6 tỉnh biên giới trọng điểm về nhập khẩu thực phẩm; tiếp tục duy trì hoạt động kiểm soát ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc và không để thực phẩm giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường…

 

*Không còn “phải lăn ra chết mới xử lý được”

 

Theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự hiện hành, chỉ khi nào người tiêu dùng do sử dụng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh mà bị tử vong, hoặc bị thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe thì những người chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mới bị xử lý hình sự (chưa kể đến việc phải chứng minh được họ biết rõ những thực phẩm đó là không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn). Đây là một trong những lý do để những cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vẫn ngang nhiên hoạt động. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Cao Đức Phát đã phải thốt lên “Thế tức là phải lăn ra chết thì mới xử lý! Ăn thực phẩm ít khi xảy ra trường hợp này, thế nên cũng không xử lý được.”

 

Điều 155 của Bộ Luật Hình sự hiện hành về quy định đối với việc sử dụng chất cấm nhưng không có chất cấm dùng trong chăn nuôi. Trong khi đó, Salbutamol bị cấm trong chăn nuôi nhưng dùng để chữa bệnh, chất vàng ô cấm trong chăn nuôi khiến thịt gà trở nên vàng và được người tiêu dùng ưa thích, gây ung thư nhưng trong công nghiệp lại dùng làm chất nhuộm.

 

Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 đã bổ sung, sửa đổi nhiều quy định sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng xử lý hình sự và răn đe các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm gây bức xúc trong xã hội thời gian qua. Theo đó, khung hình phạt tối đa hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm có thể bị xử phạt tù tới 20 năm.

 

Điển hình là Điều 317 nêu rõ hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm sẽ bị xử lý hình sự với hình phạt cao nhất tới 20 năm tù mà không cần phải có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng như luật cũ quy định.

 

Điều 193 quy định chi tiết về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Theo đó, bên cạnh mặt hàng lương thực, thực phẩm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm sẽ bị phạt tù ít nhất 2-5 năm, không tính đến số lượng và giá trị hàng hóa…/.