Bốn phương tụ hội

10:13, 16/04/2016

Trống đồng rền vang như lời cha ông vọng về từ thuở hồng hoang dựng nước. Đỉnh thiêng Nghĩa Lĩnh trầm mặc bảng lảng trầm hương đan quyện vào trong những tán đại thụ, vương vấn trên sắc cờ thần. Đền Hùng hội đã mở. Việt Trì - Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam rực rỡ cờ hoa, rộn vang trống hội, câu Xoan đằm thắm mượt mà mở rộng vòng tay thân thiện chào đón du khách thập phương hành hương về Giỗ Tổ như đón người thân trong gia đình về chung vui ngày lễ trọng. Trăm cây một cội, trăm con một nhà, triệu trái tim chung nhịp đập thành kính tri ân công đức tổ tiên, ngay trong ngày đầu khai hội, ước tính đã có gần một triệu du khách về Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng…Hàng triệu người hành hương về Đất Tổ trong dịp Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Phương Thanh

Quyết tâm xây dựng và tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trở thành lễ hội mẫu của cả nước, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực tập trung chỉ đạo tổ chức chu đáo, an toàn với phần Lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc; phần Hội với các hình thức hoạt động vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; kết hợp hài hoà giữa các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống và hiện đại, tạo sức lan tỏa rộng rãi và sự hài lòng cho đồng bào, du khách thập phương về viếng thăm Mộ Tổ.  Sau Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng do thành phố Việt Trì tổ chức, sáng 12-4 (6-3 âm lịch) Đền Hùng khai hội với Lễ Giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương Quốc Mẫu Âu Cơ trang nghiêm, thành kính tại các đền thờ trên núi Sim, núi Vặn thuộc Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng. Tri ân công đức Cha Rồng - Mẹ Tiên theo đạo lý truyền thống của dân tộc cũng là khẳng định, nâng cao hơn nữa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong thời đại mới. Tiếp nối Lễ rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu Di tích, sáng 10-3 âm lịch, trên đỉnh thiêng Nghĩa Lĩnh Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trọng thể với các nghi thức truyền thống thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thành kính tri ân công đức tổ tiên của dân tộc Việt. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng chỉ đạo các tỉnh, thành trên cả nước có điểm thờ cúng Hùng Vương đồng loạt tổ chức dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng vào thời khắc thiêng liêng này.

 

Đất cội nguồn dân tộc, Phú Thọ hiện còn lưu giữ được rất nhiều các di sản có giá trị, trong đó có Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan đã được UNESCO vinh danh. Đây là nền tảng, cơ sở vững chắc cho các hoạt động sôi nổi, phong phú của phần Hội diễn ra trong ngày Quốc giỗ. Ngày đầu khai hội, Lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì 2016 được tổ chức với sự tham gia của gần 2.000 nghệ sĩ, diễn viên quần chúng. Tiếp nối Lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì là hàng loạt các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao phong phú, đa dạng: Trưng bày ảnh tư liệu và hiện vật của đồng bào cả nước cung tiến Đền Hùng; đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân; hội trại văn hóa; liên hoan văn nghệ quần chúng; biểu diễn nghệ thuật; hội chợ Hùng Vương; hội thi bơi Chải trên sông Lô; các hoạt động thể thao... Giỗ Tổ năm nay, Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng lần thứ IV được tổ chức tại Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng vào ngày mùng 7-3 âm lịch đã thu hút đông đảo du khách quan tâm theo dõi, cổ vũ. Dâng tiến tổ tiên những sản phẩm chất lượng nhất, bánh chưng, bánh giầy Đất Tổ Hùng Vương còn là sản phẩm được nhiều du khách lựa chọn. Quầy giới thiệu sản phẩm bánh chưng của huyện Cẩm Khê - đội liên tiếp giành giải Nhất hội thi trong nhiều năm, trung bình mỗi ngày bán ra 700-800 chiếc bánh chưng trong dịp lễ hội.

 

4 năm sau ngày UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, với nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực của toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân trong tỉnh, Hát Xoan Phú Thọ đã thực sự lan tỏa, thể hiện sức sống mãnh liệt, trường tồn trong cộng đồng. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay, du khách được đắm mình trong các làn điệu Xoan cổ tại Đình Thét (xã Kim Đức), Đình Hùng Lô (xã Hùng Lô, thành Phố Việt Trì) và thêm trải nghiệm, cảm nhận sức sống, lan tỏa mạnh mẽ của câu hát cha ông qua Liên hoan Hát Xoan thanh thiếu nhi thành phố Việt Trì lần thứ III, năm 2016.

 

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia góp giỗ của 3 tỉnh: Cà Mau, Hưng Yên, Bình Thuận. Tri ân công đức tổ tiên, chung tay góp sức cho ngày hội vui, trên Đất Tổ Vua Hùng, các tỉnh đã tích cực quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch cùng những nét đẹp văn hóa đặc trưng của địa phương. Tại sân khấu Trống đồng (Công viên Văn Lang) và sân trung tâm Lễ hội Đền Hùng, đoàn cải lương Hương Tràm tỉnh Cà Mau, Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh tỉnh Bình Thuận và Nhà hát chèo tỉnh Hưng Yên đã có những đêm diễn mang lại cho khán giả nhiều trải nghiệm thú vị, xúc cảm khó phai.

 

Cùng với quy mô hoành tráng, nghi thức hành lễ nghiêm cẩn, phong phú, sôi động các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang bản sắc văn hóa đất cội nguồn, ấn tượng đặc biệt của khách hành hương về Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay là công tác tổ chức quy củ, an ninh trật tự được đảm bảo, chất lượng phục vụ các loại hình dịch vụ được nâng cao rõ rệt… đúng như cam kết của Ban Tổ chức: “Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho du khách về viếng mộ Tổ”. Ngày cuối tuần, Di tích Lịch sử Đền Hùng chật kín du khách, số lượng người hành hương ước đến cả triệu lượt nhưng an ninh trật tự vẫn được giữ vững, lễ hội diễn ra trang nghiêm, an toàn. Không có bán hàng rong, ăn xin ăn mày; hiện tượng chèo kéo, làm phiền, lợi dụng “chặt, chém” du khách đã được loại trừ. Cùng câu lạc bộ hưu trí lên các Đền thờ trên núi Nghĩa Lĩnh dâng hương các Vua Hùng xong, ông Trần Văn Hiếu (tỉnh Kiên Giang) đứng lặng rất lâu trước khu trưng bày các mẫu phác thảo tượng đài Hùng Vương xin ý kiến đóng góp nhân dân. Ghi xong nhận xét của mình, ông bộc bạch: “Tôi đã đi nhiều, trải nghiệm nhiều nhưng phải ghi nhận công tác tổ chức lễ hội của Phú Thọ. Hội lớn, tập trung số lượng người đông như vậy mà trật tự vẫn được đảm bảo. Du khách cảm thấy mình được tôn trọng. Sau hơn chục năm trở lại, thấy Đền Hùng được đầu tư, tu bổ hoành tráng mà vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống đất cội nguồn, chúng tôi thực sự rất xúc động. Giao thông giờ quá thuận lợi, chúng tôi sẽ còn trở lại Đất Tổ vào những mùa lễ hội tới…”.

 

Cùng nguồn cội, cùng chung dòng máu Lạc Hồng, luôn đoàn kết gắn bó keo sơn chặt chẽ từ bao đời nay chính là bản sắc văn hóa độc đáo, rất riêng của dân tộc Việt và là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại. Hàng nghìn năm đã trôi qua với bao biến cố thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc Việt Nam, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng vẫn luôn là điểm hẹn thiêng liêng bốn phương tụ hội, con cháu tiếp nối phụng thờ, tri ân công đức Tổ tiên.