Giai đoạn 2016- 2020 tiếp tục giảm tỷ lệ mắc, tử vong một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

15:02, 13/04/2016

Ngày 13/4, Bộ Y tế tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia ngành y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch –Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia ngành y tế đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của người dân về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cá nhân, cộng đồng. Ý thức và nhận thức của người dân về tầm quan trọng của phòng bệnh, tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình ngày càng được nâng cao; góp phần giảm số mắc, số chết của nhiều bệnh dịch nguy hiểm; khống chế không để xảy ra dịch lớn.

 

*4 chương trình mục tiêu quốc gia

 

Bộ Y tế được giao thực hiện 4 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế (5 dự án), Chương trình mục tiêu quốc gia An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế chủ trì 4 dự án, Bộ Công thương thực hiện 1 dự án và Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện 1 dự án), Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số-Kế hoạch hóa gia đình và Chương trình Phòng chống HIV/AIDS.

 

Đến nay Dự án phòng chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm với cộng đồng đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Ngành y tế đã hoàn thành mục tiêu giảm 18% tỷ lệ mắc/100.000 dân do sốt xuất huyết so với giai đoạn 2006-2010 (giai đoạn 2006-2010 là 119,06%), duy trì tỷ lệ chết/mắc do sốt xuất huyết xuống dưới 0,09%. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc, chết ở một số vùng sốt xuất huyết trọng điểm vẫn còn cao.

 

Giai đoạn 2011-2015, hoạt động khám sàng lọc và quản lý bệnh nhân tăng huyết áp được triển khai trên địa bàn 1.179 xã/phường trong toàn quốc. Nhờ đó, hơn 2 triệu người từ 40 tuổi trở lên đã được khám sàng lọc, phát hiện tăng huyết áp trên 365.000 người, trong đó có khoảng 182.000 người lần đầu tiên được phát hiện tăng huyết áp chiếm 49,8%. Bệnh nhân tăng huyết áp sau đó được tư vấn quản lý tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, hoạt động phòng chống bệnh tăng huyết áp chưa đạt được chỉ tiêu đề ra là 50% người dân hiểu đúng về bệnh tăng huyết áp và các biện pháp phòng, chống.

 

Đặc biệt, dự án tiêm chủng mở rộng luôn duy trì được tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt >90%. Tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm đủ mũi vắc xin uốn ván (UV2+) đạt trên 80%; trên 90% trẻ được tiêm mũi 2 vắc xin sởi; hoàn thành chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi trên toàn quốc đạt tỷ lệ 98,2%; tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh...

 

Chương trình mục tiêu quốc gia về An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã đạt được nhiều kết quả. Việc kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành các cấp được đẩy mạnh, tính đến nay, về cơ bản toàn quốc đã kiện toàn xong Ban Chỉ đạo ở các cấp. Hệ thống tổ chức quản lý an toàn thực phẩm được hình thành từ trung ương đến địa phương, hệ thống kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đã bước đầu đáp ứng được hoạt động kiểm nghiệm. Việt Nam đã có 1 Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, 3 Trung tâm kiểm nghiệm khu vực, 14 cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu và phòng kiểm nghiệm thuộc 63 Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh/thành phố. Cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 2,6 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%, số tiền phạt khoảng 99,6 tỷ đồng; ngoài ra còn công khai tên, địa chỉ các cơ sở vi phạm để người dân được biết.

 

Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ dân số - kế hoạch hoá gia đình. Dịch vụ kế hoạch hoá gia đình được đưa đến gần với người dân tại 5.700 xã có vùng mức sinh cao, vùng khó khăn; đồng thời, bảo đảm cung cấp đủ các phương tiện tránh thai cấp miễn phí theo quy định, đồng thời đẩy mạnh tiếp thị xã hội phương tiện tranh thai.

 

Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đã giúp duy trì tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dưới 0,3% dân số, trong đó đạt cả 3 tiêu chí: giảm số nhiễm mới, số chuyển sang AIDS và số tử vong vì AIDS. Mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS trên toàn quốc tiếp tục ổn định và được kiện toàn. Các Phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS từng bước được lồng ghép vào hệ thống y tế chung; thiết lập cơ chế tài chính nhằm duy trì tính bền vững của hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hoàn thiện cơ chế mua sắm tập trung và thanh toán tập trung thuốc ARV để Quỹ Bảo hiểm y tế bắt đầu chi trả từ năm 2017. Ngân sách các địa phương cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đã tăng gần gấp 3 lần so với năm 2013 sau khi Đề án Đảm bảo tài chính được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

 

* Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020

 

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch –Tài chính Nguyễn Nam Liên nhấn mạnh: Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, giai đoạn 2016-2020 gồm 8 dự án thành phần gồm Dự án Phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến; Dự án Tiêm chủng mở rộng; Dự án Dân số và phát triển; Dự án An toàn thực phẩm; Dự án Phòng, chống HIV/AIDS; Dự án Đảm bảo máu an toàn và phòng chống một số bệnh lý huyết học; Dự án Quân dân y kết hợp và Dự án Quản lý và truyền thông y tế.

 

Theo đó, mục tiêu của chương trình là chủ động phòng chống một số dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời khống chế không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các bệnh không lây nhiễm phổ biến, bệnh tật học đường đảm bảo an ninh sức khỏe cho cộng đồng. Đồng thời, chương trình góp phần nâng cao năng lực quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm; bảo đảm cung cấp máu, an toàn truyền máu và phòng, chống hiệu quả một số bệnh lý huyết học. Bên cạnh đó, ngành y tế phấn đấu khống chế và giảm tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng để giảm tác động của HIV/AIDS đến phát triển kinh tế, xã hội; duy trì mức sinh thấp hợp lý, khống chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số; tăng cường kết hợp quân dân y trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân vùng biên giới, biển đảo và vùng trọng điểm an ninh quốc phòng.

 

Chương trình được triển khai từ năm 2016 – 2020 tại các tỉnh/thành phố trong cả nước, ưu tiên một số địa phương trọng điểm tùy thuộc vào mục tiêu của từng dự án thành phần. Nội dung chủ yếu của Chương trình là tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống các bệnh trong Chương trình; huy động mọi nguồn lực và sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, mọi người dân; tổ chức triển khai các hoạt động giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh; đào tạo nâng cao năng lực.../.